GSTSKH BÙI QUỐC CHÂU
CÁC MỤC CHÍNH
  Gallery Bùi Quốc Châu
BÀI VIẾT VỀ VIỆT Y ĐẠO
Xem tất cả  
LIÊN KẾT WEBSITE

· www.dienchan.com
·

www.dienchanparis.com   

 · www.dienchanhanoi.blogspot.com
· www.dienchancaobang.blogspot.com
 · www.vietnam-daisuki.com
 · www.ykhoanet.com
· www.yhoccotruyen.net
·

www.youtube.com

·

www.vanhoavietnam.vn

· www.amthuc.net.vn
SỐ NGƯỜI TRUY CẬP
   Số người online 21
   Hôm nay 232
   Hôm qua 278
   Trong tuần 1098
   Trong tháng 14033
 Tổng số 3514850
TRUY CẬP THEO QUỐC GIA
Xem chi tiết bài viết
QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO VỀ HÀNH ĐỘNG TỰ TƯỚC ĐOẠT SỰ SỐNG

*HOÀNG PHONG
Kinh sách Phật Giáo thường sử dụng các thuật ngữ như "tước đoạt sự sống" hay làm "phương hại đến sự sống" của một chúng sinh nhằm tránh không dùng chữ "sát sinh" mang tính cách quá hung bạo.Thuật ngữ "tự tước đoạt sự sống" của tựa bài viết cũng nhằm vào mục đích đó, tức là tránh không dùng chữ "tự tử", và đồng thời cũng để hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ Chức Y Tế Thế Giới – World Health Organization (WHO) của Liên Hiệp Quốc đề nghị các giới truyền thông không nên sử dụng một thuật ngữ có hàm ý gợi lên một hành động cần phải tránh.

        Tệ nạn tự tước đoạt sự sống không những là một thảm trạng mang tính cách cá nhân mà còn là biểu hiệu một sự bất lực của xã hội. Thảm trạng hay sự bất lực ấy ít khi được nói đến, chẳng qua cũng là vì người ta thường tìm cách che đậy và giấu giếm nó như là một điều gì xấu hổ đối với lương tâm con người. Tổ Chức Y Tế Thế Giới (TCYTTG) vừa công bố tại Thụy Sĩ một bản phúc trình về vấn đề này và cho biết hằng năm có 800.000 người tự tử, tức là cứ mỗi 40 giây thì lại có một người tự tước đoạt mạng sống của mình. Là người Phật Giáo chúng ta phải nhìn vào vấn đề này như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ phân tích và tìm hiểu một vài con số thống kê trong phúc trình nói trên, đã được tạp chí Le Point của Pháp tóm lược và đăng tải ngày 04.09.2014, và một vài bài báo cùng chủ đề đăng trên nhật báo Le Monde của Pháp ngày 09.12.13 và 05.02.14. Sau khi điểm qua các tài liệu này, hy vọng chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu xa và bao quát hơn về vấn đề trên đây qua các góc nhìn Phật Giáo. 

Tự tước đoạt sự sống là một thảm trạng

mà xã hội bất lực và che dấu

Phúc trình của Tổ chức Y Tế Thế Giới

        Trong bản phúc trình công bố ngày 4 tháng 9 năm 2014 vừa qua, TCYTTG của Liên Hiệp Quốc sau khi nêu lên số người tự tước đoạt sự sống trên thế giới quá cao như trên đây, đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới phải quan tâm nhiều hơn nữa về tệ nạn trầm trọng này. Con số người tự tước đoạt sự sống hàng năm cao hơn cả số tử vong vì chiến tranh và thiên tai, đã phơi bày một thảm trạng khiến những người có lương tri cảm thấy không sao "chịu đựng" nổi.

         
blank
Bác sĩ Shakar Saxena,
Giám Đốc Ủy Ban

Y Tế của Tổ Chức Y Tế Thế Giới
Khi chính thức công bố bản phúc trình này Bác Sĩ Shekar Saxena, giám đốc Ủy Ban Y Tế của TCYTTG đã tuyên bố rằng không thể nào có thể "chấp nhận" được một con số tự tước đoạt sự sống quá cao như thế, bởi vì tệ nạn này có thể làm "giảm bớt" được bằng các phương cách phòng ngừa. Bản phúc trình còn cho biết thêm là tệ nạn tự tước đoạt sự sống là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong cho lứa tuổi từ 15 đến 29. Theo tạp chí Le Point thì trong năm 2012 riêng trên đất Pháp có 10.093 người tự tước đoạt sự sống, trong số này có 7.475 nam và 2.618 người thuộc nữ giới, chỉ số là 12,3 trên 100.000 người, cao hơn chỉ số trung bình trên toàn thế giới là 11,4. 

       

blank
Bác sĩ Magaret Chan, Tổng giám đốc Tổ Chức
Y Tế Thế Giới (OMS/WHO)

Bà Margaret Chan, tổng giám đốc TCYTTG đã phát biểu rằng: " Chúng ta phải bắt tay ngay vào việc đối phó với thực trạng y tế công cộng thật tồi tệ này, tệ nạn tự tước đoạt sự sống đã được giấu giếm quá lâu đời rồi. TTCYTTG trước đây cũng đã từng đưa ra một sách lược toàn cầu nhằm làm giảm số người tự tước đoạt sự sống hàng năm, vì tổ chức này cho rằng nhiều người đã tự tước đoạt sự sống của mình chỉ vì không có ai bên cạnh giúp đỡ họ vào những lúc cần đến".

        Các nước Đông Nam Á có chỉ số tự tước đoạt sự sống cao nhất là 17,7. Tại các nước Âu Châu thì số tử vong vì tệ nạn này là khoảng 35.000 người với chỉ số là 12,0. Trong danh sách 20 quốc gia có số người tự tước đoạt sự sống cao nhất thế giới thì đã có đến sáu quốc gia Âu Châu. Sau đây là chỉ số trên 1000.000 người của vài quốc gia này :

Belarus         35,5   
Lithuania      28,2                
Nga Sô         19,5              
Hung-gia-lợi 19,1              
Ukrania        19,8         
Ba-lan          16,6         
Lettonia       16,2
Phần-lan      14,8
Bỉ                 14,2
Tây Ban Nha  5,1. 
Ý                  4,7

Guyana (Nam Mỹ) chiếm kỷ lục thế giới với chỉ số 44,2 kế đó là Bắc Hàn (38,5) và Saudi Arabia có chỉ số thấp nhất (0,4).

 

TCYTTG đưa ra một kế hoạch hy vọng làm giảm bớt 10% chỉ số tử vong vì tệ nạn tự tước đoạt sự sống từ đây đến năm 2020 trên toàn thế giới. Tổ chức này còn cho biết thêm là có 25 quốc gia trên thế giới, hầu hết là tại Phi Châu và Nam Mỹ, tức là những nước chịu ảnh hưởng của các tôn giáo hữu thần, vẫn còn khép hành động tự tước đoạt sự sống vào tội sát nhân.

        Theo nhận xét của tạp chí Le Point thì các nước theo Thiên Chúa Giáo ở Âu Châu như Ý và Tây Ban Nha có chỉ số tự tước đoạt sự sống thấp hơn nhiều (4,7 và 5,1) so với các nước Đông Âu như Belarus, Nga, Hung Gia Lợi... (với chỉ số từ 16,2 đến 35,5). Nhận xét này không được chính xác lắm bởi vì Nga và các nước Đông Âu theo Chính Thống Giáo cũng là một tông phái thuộc chung trong Cơ Đốc Giáo như Thiên Chúa Giáo. Guyana, nơi mà Kha Luân Bố (Christophe Colomb) lần đầu tiên ghé thuyền đến trong chuyến du hành lần thứ ba vào năm 1498, là một trường hợp đáng lưu tâm hơn cả, bởi vì quốc gia này chiếm kỷ lục thế giới về tệ nạn tự tước đoạt sự sống. Vào ngày 18 tháng 11 năm 1978, tại Jonestown nơi mà một mục sư người Mỹ là Jim Jones đã thiết lập một giáo phái Tin Lành Mỹ, đã xảy ra một cuộc tự tước đoạt sự sống tập thể do chính vị mục sư này tổ chức khiến 918 người chết, trong số này có 276 trẻ em. Trong khi đó theo thống kê mới nhất của TCYTTG ở Trung Đông thì Saudi Arabia có chỉ số tự tước đoạt sự sống rất thấp là 0,4, trong khi đó ở Á Châu và tại Bắc Hàn thì chỉ số này lên đến 38,5. Các con số tương phản trên đây cho thấy là các yếu tố có thể đưa đến tệ nạn tự tước đoạt sự sống chẳng hạn như tín ngưỡng, thể chế chính trị, tình trạng kinh tế, các điều kiện xã hội, văn hóa, giáo dục... thật ra rất phức tạp, không hề đơn giản như người ta thường tưởng.  

        Phúc trình gần hai trăm trang của TCYTTG được đưa ra là nhằm vào chủ đích vận động các quốc gia trên thế giới quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề này và nên cố gắng tìm các biện pháp ngăn ngừa. TCYTTG còn cho biết thêm là các việc "điều trị [các bệnh tâm thần] và giúp đỡ kịp thời có thể góp phần hữu hiệu vào việc ngăn ngừa tệ nạn tự tước đoạt sự sống". Ngoài ra nữ Bác Sĩ Elexandra Fleischmann, thành viên của TCYTTG cũng đặc biệt lưu tâm các cơ quan truyền thông nên tránh sử dụng các từ như "tự tử" hay "tự sát" mà chỉ nên dùng các từ nhẹ hơn, chẳng hạn như "làm thiệt hại" (perte/loss). Trong trường hợp tiếng Việt thiết nghĩ chúng ta có thể sử dụng các cách nói như: "tự làm thiệt hại", "tự tước đoạt" hay "tự hủy hoại" sự sống của mình. Đấy không phải là một sự tránh né hay mang mục đích che giấu nào cả mà đúng hơn chỉ là một cách giúp chúng ta "bớt sợ" để có thể nhìn trực tiếp hơn vào một vấn nạn nan giải của nhân loại. 

        Nữ Giáo Sư Ella Arensman chủ tịch Hiệp Hội Quốc Tế Ngăn Ngừa Tự Tử (Association internationale pour la prévention du suicide/International Association for the Prevention of Suicide) đã nêu lên một trường hợp tiêu biểu cho thấy khi giới truyền thông đưa lên hàng đầu tin tài tử điện ảnh Mỹ Robin Williams (nổi tiếng từ thời kỳ chiến tranh Việt Nam với cuốn phim "Good Morning Vietnam") đã tự tước đoạt sự sống của mình ngày 11 tháng 8 năm 2014, thì ngay sau đó bà đã nhận được điện thư của nhiều người cho biết trước đây họ đã loại bỏ được ý nghĩ tự tước đoạt sự sống trong tâm trí mình, thế nhưng nay thì họ lại bị ám ảnh trở lại bởi các ý nghĩ đen tối ấy.

        Trong phúc trình của TCYTTG cũng không thấy nêu lên vấn đề trợ tử (suicide assisté/assisted suicide/trợ giúp kết liễu mạng sống mình) đã được Thụy Sĩ chính thức cho phép. Trợ tử là cách giúp những người bệnh ra đi nhẹ nhàng hơn trước những sự đau đớn thể xác hoặc tâm thần đày đọa họ khi không còn một phương thuốc nào chữa trị. Người ta thường gọi sự trợ tử này bằng các thuật ngữ như: "hỗ trợ cái chết" hay "hỗ trợ lúc lâm chung" hoặc "giúp giữ nhân phẩm khi lìa đời"... Theo Bác Sĩ Saxena giám đốc Ủy Ban Y Tế của TCYTTG cho biết thì trên phương diện thống kê sự kiện này chỉ mang tính cách thứ yếu, không làm thay đổi đáng kể các con số thống kê, do đó không được đưa vào bản phúc trình. Ở Thụy Sĩ trong năm vừa qua có tất cả 350 trường hợp trợ tử với sự tiếp tay của một số các tổ chức như Dignitas (tiếng La-tinh có nghĩa là nhân phẩm, phẩm cách) hay Exit (Lối Ra hay Lối Thoát). Chỉ số tự tước đoạt sự sống trong quốc gia này là 12,2 trên một trăm ngàn dân. Thụy Sĩ là một trong các quốc gia có mức sống cao nhất và một xã hội được tổ chức chặt chẽ, dân chủ và an ninh nhất thế giới, thế nhưng chỉ số trên đây lại cao hơn chỉ số trung bình của Âu Châu và của cả thế giới!

Trường hợp của những người bị giam giữ và của lứa tuổi vị thành niên

        Trên đây là tóm lược vài nét thật tổng quát về vấn đề tự tước đoạt sự sống qua phúc trình do TCYTTG đưa ra, liên quan đến toàn thể các quốc gia trên thế giới, không phân biệt một tập thể hay một sắc tộc nào. Vậy chúng ta cũng thử nhìn vấn đề này thu hẹp trong một số tập thể và tầng lớp xã hội được quy định rõ rệt hơn, hầu có thể giúp dễ nhận thấy hơn các yếu tố ảnh hưởng hoặc đưa đến những ý nghĩ đen tối ấy.

blank
Bà Pascale Krémer, nhà văn
và nhà báo người Thụy Sĩ

Chúng ta sẽ chọn hai trường hợp: một là của các tù nhân bị giam giữ và một của lứa tuổi vị thành niên. Sở dĩ hai trường hợp này được chọn trong số thật nhiều các trường hợp khác là vì trước đây người viết bài này đã được đọc hai bài báo của một nữ ký giả Thụy Sĩ là Pascale Krémer đăng trên nhật báo Le Monde của Pháp (ngày 09.12.13 và 05.02.14), nêu lên hai trường hợp này.

 

Ở Pháp trung bình cứ mỗi ba ngày thì lại có một tù nhân tự tước đoạt sự sống của mình. Những người này hầu hết thuộc nam giới với độ tuổi trung bình là 37, và thường là bằng cách treo cổ (95% các trường hợp tự tước đoạt sự sống xảy ra trong các khám đường). Số tù nhân ở Pháp tăng lên gấp đôi từ năm 1960 đến nay, trong khi đó theo thống kê của Viện Quốc Gia về Sức Khoẻ và Viện Nghiên Cứu Y Khoa của Pháp (INSERM) thì trong khoảng thời gian này - tính đến năm 2010 - con số tự tước đoạt sự sống trong các khám đường lại tăng lên đến năm lần hơn. Nước Pháp đứng hàng thứ sáu trong số các quốc gia có chỉ số tù nhân tự tước đoạt sự sống cao nhất: 14,6 trên 10.000 người (theo thống kê năm 2007, xin lưu ý là chỉ số trung bình đối với toàn thể dân chúng Pháp là 12,3 trên 100.000 người), sau đó là các quốc gia như Iceland, Lục Xâm Bảo, Slovenia, Đan Mạch và Thụy Điển. Sau đây là chỉ số tự tước đoạt sự sống của các tù nhân tùy theo tội phạm:

sát nhân                                                   46     trên 10.000 người

phạm tội hiếp dâm                                   26             ‘’

các tội khác về thuần phong mỹ tục         24             ‘’

trộm cắp                                                  10             ‘’

buôn bán ma túy                                      5‘’

Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là những người bị truy tố (chờ ngày đưa ra tòa xét xử) lại có chỉ số tự tước đoạt sự sống rất cao (31) so với những người đã bị kết án (12).

        Các nhà xã hội học cho biết là các tù nhân trước đó có một cuộc sống bấp bênh, không nơi nương tựa, thường là những người dễ vướng vào các ý nghĩ đen tối và thường tự tước đoạt sự sống của mình nhiều hơn so với các tù nhân khác. Dưới một khía cạnh nào đó khám đường cũng chỉ là nơi giam giữ những kẻ có tâm thần yếu đuối. Trước khi phạm tội hầu hết những người này là những người yếu kém, không đủ sức đua chen trong xã hội, lớn lên trong các gia đình xáo trộn và thuộc các tầng lớp thấp nhất trong xã hội: 46% các tù nhân này chỉ được học đến cấp tiểu học, một phần tư là những người nghiện rượu, ma túy và từng là bệnh nhân trong các trại tâm thần trong vòng 12 tháng trước khi bị kết án. Ngoài ra đối với các cựu tù nhân - tức là sau khi đã được trả tự do - thì chỉ số tự tử cũng cao hơn hẳn so với mức trung bình trong xã hội. Trong bài báo thứ hai của bà Pascale Krémer liên quan đến vấn nạn tự tước đoạt sự sống của lứa tuổi vị thành niên, bà đã trình bày tóm lược như sau:

        Ở Pháp, tháng 6 năm 2012 có một cuộc thăm dò được thực hiện nhằm mục đích tìm hiểu sức khoẻ tâm thần của các học sinh ở lứa tuổi 15 trong hai vùng địa lý cách xa nhau: một thuộc bờ biển phía tây nam (Poitou-Charente) và một thuộc vùng đông bắc (Alsace, một vùng ráp ranh với nước Đức). Trong cuộc thăm dò này có tất cả 1.817 học sinh ở tuổi 15 thuộc 171 trường trung học được yêu cầu trả lời 88 câu hỏi, trong số này có một câu như sau:"Trong vòng 12 tháng trở lại đây, em có toan tính tự tử hay không? Trong cuộc đời em, em có ý định tự tử bao nhiêu lần?".

         Kết quả thật hết sức bất ngờ: 20.9% nữ học sinh và 8,8% nam học sinh trả lời là đã từng toan tính tự tử, và các kết quả này đều trùng hợp nhau ở cả hai nơi thăm dò. Bác sĩ Philippe Binder giảng sư đại học Y Khoa, chuyên gia về các bệnh tâm thần thuộc các lứa tuổi vị thành niên đã phải thốt lên: "Tôi phải thú nhận rằng sau khi được thông báo kết quả thăm dò này thì đêm hôm ấy tôi không sao chợp mắt được. Quý vị hãy tưởng tượng xem, trong số năm đứa bé gái mà quý vị gặp ở đường phố thì có một đứa đã từng toan tính kết thúc đời mình".  Con số trẻ vị thành niên mưu toan tự tử được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngày càng gia tăng và tuổi của chúng ngày càng thấp xuống.

        Nói chung thì vấn đề tự tước đoạt sự sống thật vô cùng phức tạp, liên hệ đến thật nhiều yếu tố: ngoài tình trạng sức khoẻ tâm thần ra còn phải kể đến bối cảnh xã hội, gia đình, giáo dục, y tế, văn hóa, luật pháp, chính trị... Nhiều công trình nghiên cứu thuộc các lãnh vực y khoa, tâm lý học, nhân chủng học, xã hội học, v.v... đã được thực hiện. Chúng ta thử tìm hiểu một vài kết quả mang lại từ các cuộc nghiên cứu trên đây và sau đó sẽ nói đến quan điểm của Phật Giáo về tệ nạn đau thương này của nhân loại mà người ta thường chỉ muốn ngoảnh mặt đi nơi khác.

Tìm hiểu nguyên nhân đưa đến tệ trạng tự tước đoạt sự sống trên phương diện khoa học và xã hội học

        Phía sau con số những người tự tước đoạt sự sống hàng năm rất cao trên đây còn phải kể đến những người hoặc chỉ mưu toan tự tước đoạt sự sống của mình hoặc đã thực hiện nhưng được cứu sống kịp thời, con số này được ước tính là khoảng 20 triệu người hàng năm trên toàn thế giới. Trong phần dưới đây chúng ta chỉ đề cập đến các trường hợp tử vong mà thôi và có những nhận xét tổng quát về mặt nguyên nhân sau đây :

Mức sống, hoàn cảnh xã hội và chính trị: Nga Sô và các nước cựu chư hầu có chỉ số rất cao (16,2 đến 35,5). Một số các nước có mức sống thấp ở Đông Nam Á cũng có chỉ số rất cao, gần với chỉ số của Bắc Hàn là 38,5  (chỉ số trung bình của toàn vùng Á Châu là 17,7). Các chỉ số này cho thấy có thể liên hệ ít nhiều đến mức sống và các hoàn cảnh xã hội cũng như chính trị.

Truyền thống văn hóa : Trái với nhận xét trên, Nhật Bản là một nước có mức sống cao, thể chế dân chủ được tôn trọng, xã hội được tổ chức chặt chẽ và nhân đạo, thế nhưng chỉ số tự tước đoạt sự sống lại rất cao (20,0 theo thống kê năm 2004). Dường như chỉ số này là hậu quả mang lại từ truyền thống văn hóa lâu đời và rất đặc biệt của xứ sở này, đó là việc xem hành động tự tước đoạt sự sống của mình là một cách minh oan, hối lỗi hay là một hình thức biểu lộ sự trung thành đối với vị thủ lãnh hay lý tưởng của mình (trường hợp của những người samurai hay của các phi công tự sát trong Thế Chiến Thứ Hai chẳng hạn).

Thể chế chính trị và trình độ phát triển kinh tế : Ở Trung Quốc số người tự tước đoạt sự sống hàng năm là từ 250.000 đến 300.000 người (chỉ số 22,2 theo thống kê năm 2011). Cũng xin lưu ý thêm là người viết không có toàn bộ bản phúc trình mới nhất của TCYTTG mà chỉ căn cứ vào bảng tóm lược trên tạp chí Le Point và các tài liệu sẵn có). Số người tự tước đoạt sự sống này là một phần ba đến một phần tư tổng số người tự tước đoạt sự sống trên toàn thế giới. Con số đó có thể phản ảnh phần nào thể chế chính trị cũng như tình trạng phát triển ào ạt về kinh tế và kỹ nghệ của xứ sở này đã tạo ra một sự bất công và chênh lệch quá đáng giữa các thành phần trong xã hội, đưa đến một tình trạng khai thác con người khó có thể chấp nhận được, và có thể đã đưa đến tệ nạn tự tước đoạt sự sống trầm trọng trên đây.

Sau đây chúng ta hãy tiếp tuc tìm hiểu các nguyên nhân đưa đến việc tự tước đoạt sự sống liên quan đến một số tập thể và tầng lớp xã hội:

Nam giới và nữ giới : Trong tất cả các quốc gia khác trên thế giới thì số nam giới tự tước đoạt sự sống luôn luôn cao hơn nữ giới từ 2 đến 5 lần! Thế nhưng có một sự kiện khá đặc biệt là người phụ nữ Trung Quốc tự tử nhiều hơn nam giới, và tình trạng này cũng thấy xảy ra ở Ấn Độ. Lý do có thể là vì người phụ nữ ở hai quốc gia này phải chịu nhiều thiệt thòi hơn trong gia đình cũng như ngoài xã hội, hậu quả của hai nền văn hóa không xem trọng người phụ nữ.

Nông dân: Một sự kiện đáng để ý là ở Ấn Độ, theo thống kê của TCYTTG thì hàng năm số nông dân tự tước đoạt sự sống rất cao, họ là những người trồng bông vải trong các vùng phía tây của quốc gia này. Người nông dân trong các vùng này lệ thuộc vào hạt giống biến đổi gen (OGM: Organisme Génétiquement Modifié/GM: Genetically modified crops) do các công ty tài phiệt độc quyền. Các cây bông vải biến đổi gen cho năng suất gấp đôi, nhưng lại không chống được sâu bọ. Dù sản xuất gấp đôi nhưng tiền mua hạt giống mỗi năm rất cao và phải dùng thuốc trừ sâu thật nhiều nên đã khiến người nông dân mang nợ và không đủ sống. Tập thể những người nông dân trở thành một guồng máy sản xuất hay những con vật hy sinh cho sự gia tăng nông phẩm. Đây là một sự kiện đáng để chúng ta phải lưu tâm và suy nghĩ trên phương diện tổ chức xã hội và tình trạng khai thác con người.

Những người bị tù đày: Trở lại với hai bài báo của nữ ký giả Pascale Krémer thì chúng ta sẽ nhận thấy các nguyên nhân đưa đến các ý nghĩ đáng tiếc đó tương đối rõ ràng hơn. Đối với những người bị tù đày thì nguyên nhân thường là sự nghèo đói, sống trong các gia đình căng thẳng và xáo trộn, thuộc các thành phần thấp kém trong xã hội, ít học, nghiện ngập, yếu đuối, thiếu thăng bằng trên phương diện tâm lý, không chủ động được các sự thúc đẩy bản năng của mình, mất hết định hướng trong cuộc sống,... Nếu suy nghĩ thêm một chút thì hẳn sẽ không đến nỗi quá khó để hiểu rằng sự hung bạo mà họ gây ra cũng chỉ là những thúc đẩy sâu kín của tình trạng mặc cảm, yếu đuối tâm thần, thiếu khả năng suy nghĩ và lý luận. Tuy nhiên trước pháp luật thì họ lại được xem là những người "bình thường", hoàn toàn ý thức về các hành động nổi loạn hoặc bất lương của họ. Chỉ khi nào các cử chỉ và ngôn từ của họ cho thấy các triệu chứng điên rồ thật "lộ liễu" thì họ mới được pháp luật xem là những người mắc bệnh tâm thần. Các kết quả thống kê cho biết từ 87% đến 98% các tù nhân tự tước đoạt sự sống của mình đều là những người có các triệu chứng liên quan đến các bệnh tâm thần. Trong bối cảnh này, chúng ta hãy ghi nhớ rằng luật pháp được lập ra là để cứu giúp và che chở họ chứ không phải là để trừng phạt họ. Các nhận xét trên đây cho thấy ngoài các nguyên nhân thuộc bối cảnh bên ngoài (hoàn cảnh nghèo đói, ít học...), còn có các nguyên nhân khác sâu kín hơn (những sự đau buồn, uất ức, tuyệt vọng...) bên trong nội tâm của mỗi cá thể.

blank
Bác sĩ Xavier Pommereau

Trẻ vị thành niên: Đối với lứa tuổi vị thành niên thiết nghĩ chúng ta cũng chỉ cần suy tư và tìm hiểu về những lời phát biểu của bác sĩ tâm thần Xavier Pommereau (phụ trách chương trình ngăn ngừa tệ nạn tự tước đoạt sự sống của lứa tuổi vị thành niên tại Bệnh Viện Đại Học Bordeaux) nêu lên trong bài báo thứ hai của bà Pascale Krémer, cũng là đủ: "Rất nhiều trẻ vị thành niên rơi vào tình trạng tuyệt vọng và theo sự ước tính của tôi thì trong bảy đứa trẻ vị thành niên là có một đứa bị bệnh trầm cảm. Các đứa trẻ ấy luôn bị căng thẳng và lo âu về số phận của chúng, và nhất là mất hết mọi ý niệm về sự hiện hữu của chính mình. Chúng không còn nhận biết được cá tính của mình, cũng không còn nhận định được vị trí của mình trong xã hội, cũng không tìm được cho mình một lý tưởng nào cả. Tất cả chẳng qua là vì người lớn chung quanh phó mặc chúng với số phận của chúng. Các trẻ em trong các gia đình nghèo khó thường buông tay". Sau hết vị bác sĩ này đã kết luận như sau: "Tình trạng tâm thần của trẻ vị thành niên cũng tương tự như một tấm gương phản ảnh những nỗi lo buồn của cha mẹ chúng trong bối cảnh gia đình và tình trạng căng thẳng tạo ra bởi các mối giao tiếp trong xã hội". Các nhận xét trên đây cho thấy chúng ta thường đối xử với những đứa trẻ vị thành niên thật vô trách nhiệm, thiển cận và hoàn toàn vô ý thức. 

        Các kết quả thăm dò đối với lứa tuổi 15 cho thấy chỉ số nữ sinh ở lứa tuổi 15 có ý định tự tước đoạt sự sống lên đến 20,9 và đối với nam sinh cùng lứa tuổi là 8,8. Các phản ứng khác biệt trên phương diện giới tính trên đây cho thấy một sự liên hệ nào đó với tính khí và các thúc đẩy bản năng sâu kín của các đứa trẻ. Theo bài báo của nữ ký giả Pascale Krémer thì các nhà phân tâm học cho biết trong số ba đứa trẻ gái thì có một đứa tự gây ra thương tích trên thân thể mình - có thể là rất nặng hoặc chỉ mang tính cách tượng trưng - nhằm gián tiếp nói lên ý định tự tước đoạt sự sống của mình. Trong khi đó thì các đứa trẻ trai lại phản ứng bằng các thái độ ngỗ nghịch, phá phách, bướng bỉnh, phản ảnh những những nỗi khổ đau sâu kín của chúng. Trong khi đó đối với các lứa tuổi già dặn hơn (trưởng thành và lớn tuổi) thì chỉ số tự tước đoạt sự sống của nam giới lại cao hơn từ hai đến năm lần so với nữ giới. Sự kiện này phản ảnh khá rõ rệt tính khí khác biệt nhau giữa nam và nữ giới. Phải chăng ở vào các lứa tuổi chín chắn người phụ nữa trở nên nhẫn nhục hơn và sức chịu đựng khổ đau của họ cũng cao hơn nam giới? Giới tính không do bối cảnh gia đình hay xã hội tạo ra, nhưng cũng không phải là một sự ngẫu nhiên. Dầu sao thì càng phân tích chúng ta lại càng thấy các nguyên nhân đưa đến hành động tự tước đoạt sự sống hết sức đa dạng và khó xác định một cách rõ rệt.  

Những người sống cô độc: Ngoài ra người ta cũng nhận thấy chỉ số tự tước đoạt sự sống rất cao của những người thất nghiệp, độc thân, ly dị, những người không con, có một cuộc sống khép kín hoặc là những người quá bộc lộ luôn bị lôi cuốn bởi khung cảnh bên ngoài và các mối giao tiếp trong xã hội. Đối với các trường hợp này hành động tự tước đoạt sự sống đôi khi xảy ra rất đột ngột, không có dấu hiệu nào báo trước. Các ý định đen tối trong các trường hợp này không nhất thiết phản ảnh một sự mong muốn làm chấm dứt một tình trạng khổ đau vượt quá sức chịu đựng của mình như các trường hợp nói trên mà là một hình thức không chấp nhận một cảnh huống bế tắc nào đó trong cuộc sống của mình. Các trường hợp tự tước đoạt sự sống dưới hình thức tránh né một tình trạng không lối thoát này cũng như các phản ứng khổ đau sâu kín của các đứa trẻ vị thành niên dường như liên hệ đến bản chất sâu kín của chính sự hiện hữu của mình.  

CÒN TIẾP

Theo THƯ VIỆN HOA SEN
Bài viết cùng mục
 19 câu để đời của Lão Tử dùng làm kim chỉ nam cho cuộc sống [23.07.2015]
 Những Hiểu Lầm Về Đạo Phật [11.07.2015]
 Dung mạo đẹp từ đâu đến? [29.06.2015]
Xem tất cả
DỊCH SANG CÁC NGÔN NGỮ KHÁC
                             
Liên kết facebook Diện Chẩn
facebook
BÀI MỚI NHẤT
 Tâm sen giúp bạn an thần, thư giãn
 Lưu ý khi dùng Đông dược
 Tuyệt chiêu ngừa lão hóa xương
 Mạng xã hội thúc đẩy hành vi ăn kiêng nguy hiểm?
 Hàn Quốc “hết nguy” vì MERS
 Báo NGƯỜI GIỮ LỬA, Hà Nội, viết về Diện Chẩn (tiếp theo) - Kỳ 33
 THÔNG BÁO: Khai giảng lớp Diện Chẩn lý thuyết&thực hành tháng 8/2015
 19 câu để đời của Lão Tử dùng làm kim chỉ nam cho cuộc sống
 Báo NGƯỜI GIỮ LỬA/MÀN ẢNH SÂN KHẤU viết về Diện Chẩn (Tiếp theo): Kỳ 32
 Sài Gòn - Gia Định một thời để nhớ - Những câu chuyện về chợ Bến Thành
PHÓNG SỰ ẢNH
Xem tất cả ảnh  
GALLERY BÙI QUỐC CHÂU
Xem tất cả ảnh  
VIDEO HƯỚNG DẪN DIỆN CHẨN
XEM VIDEO  | Xem video clip  
TÌM KIẾM
ĐỒ HÌNH DIỆN CHẨN
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, các bài viết đăng trên web này có giúp ích cho quá trình trị bệnh của mọi người không?
 Rất hữu ích
 Khá hữu ích
 Bình thường
 Ý kiến khác
Góp ý hoàn thiện website
Hãy gửi cho chúng tôi các ý kiến góp ý của bạn về website www.dienchan.com
Trang chủ | Dụng cụ - Sách | Liên hệ
Copyright © 2006 www.tuchuabenh.com