Đền Dhammakaya nổi bật trên bầu trời Bangkok và luôn trong quá trình mở rộng. Vào những ngày lễ, hàng nghìn Phật tử có mặt xung quanh sư Dhammachayo. Thế nhưng, từ vài tuần nay, cách quyên góp tiền công đức và phương pháp quản lý của ngôi đền nổi tiếng giàu nhất nước này đang bị điều tra vì liên quan tới một vụ biển thủ công quỹ trên quy mô lớn do người quản lý một hợp tác xã cầm đầu.
Trung tuần tháng 3/2015, ngôi đền đã chấp nhận hoàn lại cho nhà hảo tâm trên gần 20 triệu euro. Sư Dhammachayo mong thoát được vòng lao lý và các cáo buộc làm giàu cá nhân. Vụ việc trên kéo dài thêm danh sách các vụ rùm beng, liên quan tới cả đền Wat Sket danh tiếng tại thủ đô Bangkok do biển thủ một khoản tiền khổng lồ trong ngân sách giành cho đám tang vị sư trụ trì tối cao.
Chính quyền quân sự quyết định xem xét những vụ bê bối liên quan tới các nhà sư Thái, trong chiến dịch chỉnh đốn xã hội. Vụ việc cũng gợi lên tranh luận về vấn đề kiểm soát công quỹ của các đền chùa, cho tới nay luôn bị quản lý một cách mập mờ, không rõ ràng.
Thế nhưng, lời hứa cải cách của giới tăng lữ vẫn khiến nhiều người nghi ngại vì Phật giáo có sức mạnh lâu đời tại Thái Lan. Thêm vào đó là tiền công đức của các chùa góp một phần lớn cho thu nhập của nước này, trái ngược hoàn toàn với các hòm công đức trống rỗng tại các nhà thờ ở Châu Âu.
Theo đánh giá của Viện Phát triển Hành chính Quốc gia (National Institute of Development Administration, NIDA) tại Bangkok, được công bố vào năm 2014, khoảng 38 000 đền chùa thu được 120 tỉ bạt (3,3 tỉ euro) tiền công đức hàng năm.
Thái Lan xếp hàng thứ ba trong số các nước « hào phóng » nhất trên thế giới cho tôn giáo, sau Miến Điện và Malta. Khoảng 77% dân số quen đóng góp cho các tổ chức thiện nguyện. Họ cho rằng, làm như vậy, sẽ giúp thoát khỏi nghiệp chướng và gặp may mắn hơn.
Theo Thu Hằng (RFI)
(http://vi.rfi.fr/chau-a/20150402-den-chua-thai-lan-tien/ )