Bài Lý Ngựa Ô có lẽ đã được các trường phổ thông dạy cho học trò, vì đó là một bài dân ca rất hay về giai điệu lẫn ca từ. Nó lung linh một hình ảnh chiếc xe cưới cổ xưa, với con ngựa kéo chiếc kiệu vàng có lục lạc bằng đồng, có cán roi bịt đồng, có dây cương nhuộm màu đỏ thắm, và một nàng con gái ngồi trên đó ắt là đẹp, ắt là thơ... Tất cả gợi nhớ chuyện cổ tích nàng công chúa với chiếc xe bằng bí đỏ trang trí lộng lẫy bay qua giấc mơ của biết bao cô bé, cậu bé tuổi chớm xanh.
Khoác chiếc áo vọng cổ cho dân ca
Đến khi soạn giả Loan Thảo khoác thêm cho bài hát một chiếc áo nữa, chiếc áo của vọng cổ, và lời lẽ chân phương mộc mạc càng làm tăng nét đẹp của một tình yêu trai gái đã được nắm tay nhau bước vào cuộc hôn nhân mơ ước. Bắt con ngựa ô anh tra khớp bạc. Lục lạc đồng đen yên vàng cương gấm anh đi ngàn dặm vượt suối trèo non tìm đến đồi mơ anh rước... em... về.
Tận cổng làng xa hai họ ra chờ. Mấy cô gái nhà bên cũng thay áo mới, ra đứng bên đường nhìn xác pháo bay. Ngựa ô anh đã tới đây, kiệu vàng và lọng gấm thì theo sau. Bữa nay là lễ đón dâu, chiêng trống vang trời hai hàng pháo nổ...
Minh Vương - Lệ Thủy với giọng ca trong veo và hơi ca khỏe khoắn đầy đặn đã làm khán giả rung động suốt mấy chục năm nay. Cái giọng trong trẻo ấy dễ liên tưởng đến những tình yêu trong sáng, thủy chung, hồn nhiên, vui vẻ. Ngay cả khi chàng và nàng “tỉnh mộng” thì ra họ rất nghèo, đám cưới chỉ có miếng bánh chung trà, thì dư âm của bánh xe ngựa vẫn còn đâu đây để chở họ đi suốt đời trên con đường hạnh phúc... Tiếng pháo nổ đưa anh về thực tại, giấc mơ qua rồi giấc mơ đẹp biết bao nhiêu. Hai đứa chúng ta với mối tình nghèo, làm sao có kiệu vàng hay lọng tía. Ngày cưới tụi mình chắc buồn hơn trong mộng, vượt mấy công đất cày anh lội bộ rước dâu. Đám cưới nghèo chắc im lìm không tiếng pháo, cô bác chia vui miếng bánh chung trà. Sau lễ lên đèn đốt nhang bàn thờ tổ, hai đứa cúi đầu lạy cha mẹ hai bên. Mẹ kề tai cha mỉm cười nói nhỏ, hai đứa tụi nó nghèo mà hết dạ thương nhau.
“Cô dâu chú rể già vậy mà khán giả vẫn vỗ tay rần rần”
Minh Vương kể hồi ấy ông mới 20 tuổi và Lệ Thủy cũng chừng ấy mà thôi. Ông được mời lên hãng đĩa VN của cô Sáu Liên để thu âm bài vọng cổ. “Không ai đưa bài trước cho mình cả. Đến nơi rồi soạn giả mới đưa. Tôi với Lệ Thủy vô dợt đờn tại chỗ. Hồi đó thu âm khó lắm, chỉ cần sai một chữ là phải hát lại nguyên đoạn, chứ đâu có máy móc mà mix như bây giờ. May là tôi với Lệ Thủy từng hát với nhau nhiều rồi nên ăn ý, dợt cũng mau và thu không bị trật. Đâu có biết là sau này khán giả thích bài đó dữ vậy! Cho tới lúc tôi 40 - 50 tuổi rồi mà khán giả còn yêu cầu tôi với Lệ Thủy hát lại bài này. Mắc cười, hai đứa tôi đóng cô dâu chú rể già vậy mà khán giả vẫn vỗ tay rần rần”. Thì tại ông và Lệ Thủy hát vẫn hay. Đặc biệt, trong các dịp đám cưới có mời hai ông bà đến dự thì bài hát càng thêm phù hợp, dễ thương, nhắc người ta dù giàu dù nghèo nhưng cứ yêu nhau thật lòng thì sẽ có hạnh phúc.
Hỏi Minh Vương hồi đó khi thu âm ông có thích bài này không, ông cười: “Trời, hồi đó mới 20 tuổi, được người ta mời đi thu là mừng muốn chết rồi, đâu có dám nói là thích hay không thích, đâu có dám lựa chọn gì. Ai đưa bài nào thì hát bài nấy. Nhưng hồi đó nghệ sĩ tụi tôi tin tưởng tuyệt đối vào soạn giả, biết chắc là mấy chú đã đo ni đóng giày cho mình, cứ yên tâm để hồn vào bài hát, ca thật hay, thì chắc chắn chinh phục khán giả. Bụng dạ không có lăn tăn so đo gì hết, cũng không dám cãi soạn giả câu nào”. Bây giờ thì khác, khi nhận bài hát hoặc nhận vở thì ông cũng phải nhìn xem có hợp với mình hay không. Không phải là ông và các nghệ sĩ khác “đổi tánh”, mà do bây giờ khó tìm ra những soạn giả tài năng như Viễn Châu, Loan Thảo, Thu An... Minh Vương nói có khi nghệ sĩ cần góp ý với soạn giả để tác phẩm hoàn chỉnh hơn.
Và sau một tràng cười vui vẻ thì Minh Vương vẫn đủ sức cất giọng lại Lý Ngựa Ô như hồi còn trẻ. Thật lạ, gần 70 mà giọng ông vẫn trong veo như thời gian đã dừng lại tự bao giờ...