Theo thông tin từ Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI & ADR quốc gia), từ đầu năm 2015 đến nay đã nhận được các báo cáo về phản ứng có hại của thuốc. Trong đó ghi nhận chuỗi phản ứng với 10 trường hợp có biểu hiện nặng: môi, chi tím; mạch nhanh, lạnh run, đau buốt sống lưng. Các trường hợp này liên quan đến một số lô thuốc tiêm như: kháng sinh, nước cất.
|
|
Đặc biệt cẩn trọng với thuốc tiêm
Đường tiêm chỉ nên sử dụng khi uống không có tác dụng. Tiêm có tác dụng nhanh, mạnh phù hợp với trường hợp bệnh nặng. Nhưng đường tiêm cũng tiềm ẩn nguy cơ hơn bởi thuốc được đưa trực tiếp vào máu, tác dụng nhanh hơn. Nếu có phản ứng xấu thì diễn biến cũng nhanh, mạnh hơn. Do đó, thuốc tiêm cần đạt yêu cầu rất cao, rất ngặt nghèo về độ tinh khiết, vô khuẩn, không tạp chất, không có chất gây sốt và người bệnh cần được giám sát chặt chẽ.
TS Nguyễn Hoàng Anh
|
|
|
“Các thuốc được cơ quan quản lý cấp phép lưu hành đều đã được chứng minh về hiệu quả, an toàn nhưng trong quá trình sử dụng vẫn có tỷ lệ gây phản ứng phụ, phản ứng có hại. Ngoài ra, chất lượng thuốc không đảm bảo do không đạt tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất; hoặc bị biến đổi trong quá trình lưu thông do không được bảo quản đúng điều kiện cũng là nguyên nhân gây phản ứng khi sử dụng”, TS Nguyễn Hoàng Anh, Phó giám đốc Trung tâm DI & ADR quốc gia cho biết.
Theo thống kê tại trung tâm, trong năm 2014 đã có 8.513 báo cáo về phản ứng có hại do thuốc xảy ra trên người VN. Thuốc gây phản ứng nhiều nhất là kháng sinh (82%) trong tổng số báo cáo. Tiếp đến là các thuốc: giảm đau, hạ sốt; chống viêm; thuốc chống lao; thuốc điều trị gout (allopurino); thuốc điều trị động kinh (carbamazepin).
Tại Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện do phản ứng có hại của thuốc với biểu hiện: nổi ban, phù mặt. Có trường hợp rất nặng do bị trợt, loét các hốc tự nhiên; trợt loét niêm mạc miệng, họng; bong tróc da, tổn thương gan, thận. Mới đây, một bệnh nhân nam 63 tuổi nhập viện trong tình trạng nổi ban toàn thân sau khi ông mua kháng sinh tự điều trị sốt, đau họng. Bản thân bệnh nhân thường xuyên dùng thuốc trị tăng huyết áp và thực phẩm chức năng để giảm mỡ máu, bổ gan.
Bác sĩ Bùi Văn Khánh, công tác tại Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng lưu ý bất cứ thuốc nào cũng có thể gây nên những phản ứng không mong muốn, phản ứng có hại. Thói quen tự mua thuốc uống càng làm tăng nguy cơ này do người bệnh dễ dàng dùng sai chỉ định. Ngoài ra, khi dùng nhiều thuốc kết hợp cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện phản ứng có hại do tương tác giữa các thành phần của thuốc.
Các chuyên gia khuyến cáo, để giảm thiểu nguy cơ có hại khi dùng thuốc, người bệnh cần thông báo với bác sĩ khi thấy bất thường (buồn nôn, nổi ban, sẩn ngứa, chán ăn, mệt mỏi, khó thở, sốt) và bất cứ biểu hiện nào khác nghi liên quan đến sử dụng thuốc. Bác sĩ điều trị không nên chủ quan khi người bệnh phản ánh về các bất thường trong quá trình dùng thuốc.