Xe hơi ở đường phố Sài Gòn những năm 1920 - 1930 - Ảnh: Tư liệu
|
Nếu trong công nghiệp, dịch vụ, có ông Trương Văn Bền với thương hiệu xà bông Cô Ba nổi tiếng khắp Đông Dương; lĩnh vực điện lực có Lê Phát An, Lê Tùng Long; cao su có Lê Phát Vĩnh, Nguyễn Hữu Hào; về giao thông xe đò, đường thủy có Lê Thanh Liêm, Phán Nuôi; ngân hàng có Trần Trinh Trạch, Nguyễn Tấn Lợi, Trương Tấn Bộ... thì ông Nguyễn Văn Hảo làm đại diện vỏ ruột xe hơi của Hãng Michelin của Pháp ở Sài Gòn.
Cạnh tranh với người Pháp
Trước năm 1933, ông Hảo mua mảnh đất nằm ở bốn mặt tiền đường - mà nay là Trần Hưng Đạo - Ký Con - Yersin - Lê Thị Hồng Gấm - rồi tiến hành xây cất nhà. Đồng thời, ông cũng trả lại cửa tiệm ở số 21 - 23 đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) cho gia đình chú Hỏa.
Về chỗ mới, ông Hảo vẫn kinh doanh phụ tùng ô tô, xăng dầu. Đến khoảng năm 1940, khi công ty đủ mạnh, vốn liếng dồi dào, ông Hảo nhập xe hơi nguyên chiếc về bán ở Sài Gòn. Những thương hiệu xe hơi mà ông Hảo nhập về là Fiat, Lancia, Nash… được bày bán phong phú như các showroom xe hơi ngày nay.
Mỗi lần ông Hảo nhập về 2 - 3 chiếc Nash, sau đó nhập xe hiệu Fiat, Lancia... Bấy giờ, xe hơi được coi là một gia tài kể cả đối với người giàu có. Giá xe hơi khi đó chừng 2.000 đồng bạc Đông Dương (1 đồng đổi được 17 franc Pháp). Ngoài việc buôn bán xe hơi, garage của ông Hảo còn làm luôn dịch vụ bảo trì sửa chữa cho các loại xe (do hãng bán cũng như các hiệu khác), cạnh tranh ngon lành với các garage Charner bán xe Peugeot, garage Auto Hall bán xe hiệu Citroen, garage Scama bán xe Ford của người Tây nằm gần đó.
Song song với việc nhập xe hơi về bán, ông Hảo còn làm đại diện vỏ ruột xe hơi của Hãng Michelin (Pháp) - một thương hiệu được ưa chuộng và rất thịnh hành ở Sài Gòn thời gian đó.
Bạn thân ba Công tử Bạc Liêu mua xe
Cái hay của ông Hảo là dù kinh doanh mặt hàng xe hơi dành cho dân có tiền nhưng ông không bao giờ phân biệt sự sang hèn của khách.
Cũng chính vì cung cách làm ăn niềm nở như thế nên một lần garage xe của ông Hảo tiếp một vị khách hết sức đặc biệt.
Một buổi sáng khi garage vừa mở cửa, có một vị khách trông rất quê mùa, mặc áo dài khăn đóng khá cũ vào hỏi mua xe hơi. Nhân viên bán hàng tính ra đuổi vì nghĩ ăn mặc như vậy thì không thể có tiền mua xe hơi mà có khi tính đường chôm chỉa. Nhưng ở gần đó, ông Hảo vừa tính sổ sách vừa quan sát nên nhân viên không dám vô phép.
Vị khách này sau khi coi xe đòi nhân viên khởi động máy. Xe khởi động, ông khách nghe tiếng máy kêu êm êm xong cất tiếng hỏi ngắn gọn: “Bao nhiêu tiền?”. “Gần 3.000 đồng bạc”, anh nhân viên trả lời mà giọng vẫn e dè.
Ông khách mở cửa ngồi lên xe nhún vài cái rồi nói: “Hình như nhíp hơi kêu. Anh cho thêm miếng dầu vô nhíp nhé”. Nói xong, vị khách kêu làm thủ tục, tính tiền.
Cuộc mua bán nhanh gọn, có phần hơi lạ lùng khiến chủ nhân garage thích thú. Ông Hảo sai người đưa chiếc xe ra cây xăng trước nhà tính “khuyến mãi” cho khách một thùng xăng đầy. Tuy nhiên, vị khách không chịu mà chỉ “xin” 5 lít. Ông Hảo ngạc nhiên hỏi lý do. Lúc này vị khách mới thật thà kể thực ra ban đầu ông không thích nhãn hiệu xe Nash của ông Hảo đang bán mà thích chiếc xe Ford (Mỹ) bán ở garage Scama người Pháp (nằm trên đường Lê Lợi hiện nay). Trước đó, ông khách đã ghé garage này để hỏi mua. Tuy nhiên, viên quản lý người nước ngoài và nhân viên khi thấy bộ dạng rách rưới và kỳ quái của khách đã đuổi khách đi. Vị khách buộc phải tìm qua hãng xe của ông Hảo.
Đổ xăng xong, vị khách sai người làm chở xuống garage xe đã đuổi ông, rồi tới trước mặt vị quản lý người Pháp nói ngắn gọn bằng tiếng Pháp: “Vì mày đuổi nên tao phải qua garage ông Nguyễn Văn Hảo mua chiếc này. Bây giờ tao chạy xe qua tiệm mày để mua xăng”. Nghe vị khách kể lại, ông chủ người Pháp đuổi việc luôn cả viên quản lý người Pháp và nhân viên người Việt.
Vụ đó, ông Hảo lời 600 đồng Đông Dương sau khi bán được chiếc xe Nash. Sau khi tính tiền và làm thủ tục xong, ông khách rút sau lưng cái mo cau gập làm đôi trong đó từng xấp tiền 100 đồng bạc Đông Dương nhiều không thể tả. Ngoài trả tiền “tươi”, vị khách còn hào phóng cho nhân viên nhiệt tình giới thiệu xe 10 đồng Đông Dương, trong khi lương của anh này chỉ 8 đồng/tháng.
Sau này tìm hiểu ông Hảo mới biết vị khách lập dị kia là một trong những người giàu nức tiếng ở miền Tây khi đó, từng là bạn khá thân với ông Trần Trinh Trạch (thường gọi Hội đồng Trạch) - thân phụ của công tử Bạc Liêu. (Còn tiếp)