Theo báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc Đại học North Carolina (Mỹ) vừa đăng trên chuyên san PNAS, miếng dán nói trên có thể giúp bệnh nhân bị tiểu đường không còn nỗi ám ảnh khi phải tiêm hằng ngày để điều chỉnh lượng đường trong máu.
Miếng dán thông minh có một loạt kim siêu nhỏ, không gây đau khi dán ngoài da. Ở đầu kim có bọc chứa insulin.
Khi lượng đường trong cơ thể tăng cao, cơ thể sẽ cố gắng phân hủy đường bằng quá trình ôxy hóa, làm giảm lượng ôxy của cơ thể. Trong môi trường thiếu ôxy, các bọc chứa insulin, vốn có vỏ ngoài là một loại axít, sẽ phản ứng và mở ra, giải phóng insulin vào cơ thể.
Các thí nghiệm trên chuột bị tiểu đường loại 1 cho thấy miếng dán thông minh có hiệu quả nhanh hơn hẳn những phương pháp điều chỉnh lượng đường khác dành cho bệnh nhân tiểu đường (loại 1 và loại 2).
Trong thí nghiệm, sau khi bị cho nạp nhiều đường vào cơ thể, lượng đường của chuột được dán miếng dán thông minh đã giảm còn 1/3 chỉ sau 30 phút.
Theo nhóm nghiên cứu của Đại học North Carolina, miếng dán này sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên nhiều loại động vật khác, trước khi được thử nghiệm trên người và lưu hành trên thị trường.
Năm 2014, trên thế giới có 387 triệu người bị bệnh tiểu đường. Con số này sẽ tiếp tục tăng và dự kiến số người bị tiểu đường sẽ lên đến 592 triệu người vào năm 2035.