TT - Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - người gọi GS Trần Văn Khê bằng "chú Khê" như người trong gia đình - chia sẻ cảm xúc về sự ra đi của giáo sư: “ông mất đi, ai cũng quý cũng thương...".
|
GS Trần Văn Khê chia sẻ về các phong tục của tết cổ truyền trong một chương trình truyền hình - Ảnh: Gia Tiến |
Tôi gọi GS Trần Văn Khê bằng chú, chú Khê, như người trong gia đình vì từ nhỏ đã quen gọi như vậy. Chú Khê là bạn thiếu thời với cậu tôi, ông Nguiễn Ngu Í, khi hai người còn chung lớp chung trường ở Pétrus Ký ngày xưa.
Khi được tin ông phải vào bệnh viện, tôi ghé thăm sớm vì biết ông tuổi đã cao, lại thường xuyên đau ốm. Hôm đó ông còn được xếp nằm tạm bên khoa ngoại tổng quát. Nhân có mấy sinh viên y khoa đang thực tập ở đó, tôi bảo mấy em theo thầy vào thăm một nhân vật hết sức đặc biệt.
Các em mừng rỡ khi biết đó là GS Trần Văn Khê vì nghe danh đã từ lâu mà chưa được diện kiến. Chú Khê hôm đó vui lắm. Ông tỉnh táo và rất hoạt bát, kể cho các sinh viên nghe trường hợp của ông bị viêm ruột thừa hóa mủ, gây biến chứng viêm phúc mạc được các bác sĩ Pháp thời đó chữa trị ra sao.
Thật là thú vị khi thấy một bệnh nhân đang nằm viện giảng bài cho sinh viên y khoa! Thật ra chú Khê đã học y khoa đến năm thứ hai ở Hà Nội trước khi sang Pháp.
Người đồng nghiệp, vị bác sĩ tim mạch đang thăm bệnh cho ông, đưa tôi xem kết quả điện tâm đồ và nói: phải đặt máy vì tim ông đã loạn nhịp, có những quãng ngưng hẳn...
Hôm sau, ông được đưa vào khoa săn sóc đặc biệt. Ông được gắn máy tạo nhịp tim, phải thở máy, phải chạy thận nhân tạo liên tục...
Nhớ những ngày căn nhà Trần Văn Khê ở Bình Thạnh luôn có tiếng cười rộn rã, tiếng đàn, tiếng sáo, giọng ngâm thơ... của biết bao bạn bè học trò thân quý quanh ông. Từ nay đã vắng bóng một ông già phúc hậu, luôn ân cần nhã nhặn với mọi người, luôn sẵn sàng chia sẻ với mọi người cái kiến thức bác học của mình, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Năm nào giữa giao thừa ông cũng có một bài thơ Đường gọi là khai bút ngày xuân, gửi đến bạn bè em cháu gần xa để cùng họa vận cho vui. Năm nay thôi đã hết.
Tôi nhớ người em kết nghĩa huynh muội với ông mấy chục năm qua là nhà thơ quận chúa Tôn Nữ Hỷ Khương, con cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, năm nọ, lúc tiễn ông ra phi trường về Pháp đã buột miệng đọc mấy câu: Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời...
Phải, “chỉ có tình thương để lại đời”, ông mất đi, ai cũng quý cũng thương.
Được biết thầy Thích Lệ Trang đã chuẩn bị một tấm liễn to với bốn chữ “Thiên nhạc vinh quy” dành cho ông trong tang lễ.
Vậy là ông đã thành tựu đạo tâm của mình, nay “vinh quy” về lại chốn xưa.
Chúc ông thượng lộ bình an.
ĐỖ HỒNG NGỌC