Việt Nam có thực đạo cũng như Nhật Bản có trà đạo. Đạo ở đây là con đường phải noi theo.Nếu trà đạo lấy thiền làm gốc thì thực đạo lấy tự nhiên làm gốc. Tự nhiên của đất nước có nền văn minh lúa nước, của những con người coi trọng chữ ăn, ăn phải vừa ngon vừa lành. Thực đạo là con đường dẫn đến chân thiện mỹ.
Thực đạo là nghệ thuật ăn uống đạt đến mức trình độ văn hoá cao, tinh tế, biết ăn ngon, chọn nơi ăn ngon, với người ăn cũng biết ăn ngon. Không những ngon mà phải lành, không gây tật bệnh, hại cho sức khoẻ cá nhân và cộng đồng. Người cùng ăn không phải là người phàm phu tục tử, những người “phàm ăn” mà là những người sành ăn, biết thưởng thức hương vị, cách chế biến tinh tế giữ được tính cách hương vị tự nhiên của các món ăn.
Sứ mạng mục tiêu
Thực đạo Việt Nam có sứ mạng gây đựng bếp cho thế giới với tính ngon và lành vừa nhiều hương vị thơm tự nhiên vừa đem lại sự an lành cho sức khoẻ con người, không gây bệnh do ăn mà ra từ vật liệu lành món ăn bài thuốc, cơm rau củ quả, cá, ít thịt, cách nấu nướng lành ít chiên xào, cách ăn lành cân bằng âm dương, gia giảm tuỳ thích của mỗi người.
Với sứ mạng trên, thực đạo Việt Nam có những mục tiêu như sau:
Một là khắc phục mặt yếu kém về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do ý thức còn kém, do quản lý chưa tốt khi sự phát triển ăn uống tràn lan và quá nhanh.
Hai là quảng bá rộng rãi cho mọi người đều rõ và phát huy tính tự nhiên các gia vị từ lá hành, lá hung, của hành, củ tỏi, củ nghệ, củ riềng, củ sả… các hương vị thơm ngon đặc biệt của gạo, các loại rau, củ quả cùng các loại gà, chim, heo, cá rất thích ngon và cũng rất lành của Việt Nam. Cái cay của gừng, sả ớt, hạt tiêu vừa tự nhiên vừa lành. Cái ngọt của các loại củ, các loại quả, các loại rau hay của đường mía (không phải đường hoá học) cũng ngon mà lành. Cái ngậy béo của nước cốt dừa cũng như màu sắc vàng của nghệ, màu đỏ của trái gấc… cũng vừa ngon vừa đẹp vừa lành. Song không phải món nào cũng cay của ớt, cũng ngọt đường, cũng béo ngậy nước cốt dừa, vì lệch, không hợp vị, mùi không thể hiện nét tinh tế của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam.
Ba là quảng bá rộng rãi cho mọi người đều rõ và phát huy tính thơm ngon lành của cách nấu nướng bếp Việt trong đó dung nước mắm để tra nồi và là nước chấm chủ đạo cho các món nấu hấp, luộc và tươi sống cùng nướng của Việt Nam. Xào, quay, rán chiên tuy ngon song lại không lành, nên không phải là món ăn chủ đạo của ẩm thực Việt Nam.
Bốn là quảng bá rộng rãi cho mọi người đều rõ và phát huy tinh ngon lành, cân bằng, âm dương, gia giảm của cách ăn ở từng món ăn cũng như được lựa chọn ăn nhiều ít trong nhiều món ăn được bày sẵn cùng một lúc. Tuy cũng có nơi hơi lệnh món gì cũng cho nước cốt dừa, món gì cũng cay cay, cũng cho đường ngọt. Song chung lại ẩm thực Việt Nam mang tính tổng hoá, cân bằng…
Năm là kết bạn với những người sành ăn ngon lành, biết nấu ăn ngon lành, trang phục, phong thái Việt, đối xử với nhau ngon lành, thể hiện một nghệ thuật sống, sống để ăn chứ không phải chỉ ăn để sống.
Nghi thức ăn
Nghi thức thực đạo Việt Nam rất giản dị, không cầu kỳ, song rất Việt, trong không khí, phong thái Việt thể hiện sự trang trong, ấm cúng than tình Việt Nam.
Trước khi ngồi vào bàn, mọi người thường rửa tay tại chậu thau nước đặt trên giá thau hoặc có khăn lau ướt cho từng người.
Khi ngồi vào bàn, phải ăn trong nồi, ngồi trong hướng. Tuỳ theo vai vế người khách, hoặc tiền chủ hậu khách. Người vai vế trọng vọng hơn sẽ ngồi vị trí chính giữa, nếu ngồi trên sập, giường, hoặc giữa một phía bàn, hoặc đầu bàn. Khách hoặc ngồi cạnh hoặc ngồi đối diện tuỳ theo bàn chữ nhật, vuông, còn tròn thì quan trọng là hướng nhìn xa gần. Người quan trọng phải ở vị trí nhìn xa, bao quát.
Các món ăn phải dọn nhiều món (có thể không tất cả nếu quá nhiều không đủ chỗ) để thực khách được lựa chọn tuỳ ý thích ăn, hoặc không ăn hoặc ăn nhiều hay ít bằng chén, bát, đũa Việt.
Khi vào bàn phải do chủ mời ngồi. Bắt đầu ăn, chủ phải mời: Xin mời quí vị hoặc Cụ, Ôn bà, anh chị, các bạn… xơi cơm, ăn cơm, dùng bữa, cùng ăn. Có thể người vai vế dưới mời trước. Người vai vế cao bắt đầu thì những người vai vế thấp mới ăn. Lời chào cao hơn mâm cổ. Ăn có mời làm có khiến, nên theo truyền thống, việc chào mời rất hệ trọng đối với người Việt Nam.
Người chủ hay vai vế dưới có thể gắp tiếp cho khách danh dự hay người có vai vế trên, song phải trở đầu đũa hoặc dùng đũa gắp riêng.
Trong khi ăn thì phải có không khí truyện trò tự nhiên than tình vui vẻ, song không được ồn ào thái quá, quan trọng là phải biết thưởng thức nghệ thuật nấu ăn ngon lành. Không khí tự nhiên nhìn ra vườn, cây cối, chim muông, cá cảnh. Nghe tiếng nước chảy róc rách hoặc chim kêu hoặc nhạc nhẹ.
Khi ăn xong, mọi người dùng tăm tre để xỉa răng. Thường người dưới mời người trên dung tăm.
Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam
Nhà xuất bản Thông tấn