CƠ SỞ CỦA PHƯƠNG PHÁP
ÂM DƯƠNG KHÍ CÔNG
Một cách tóm lược, phương pháp ADKC chủ yếu dựa vào các nguyên tắc sau:
1/ Nguyên tắc về Ý – Khí Huyệt / Ý – Khí lực
- Ý là chủ của khí – Ý dẫn Khí – Ý đến đâu Khí đến đó.
- Khí là chủ của Huyết – Khí dẫn Huyết đến đâu, huyết đến đó.
- Khí là chủ của Lực – Khí dẫn lực đến đâu, lực đến đó.
Tóm lại : Ý tới là Khí tới – Khí tới là Huyết tới ; Ý tới là Khí tới – Khí tới là Lực tới.
2/ Nguyên tắc về Khí huyết :
- Khí huyết bất thông : sẽ Thống ( đau)
- Khí huyết suy : Yếu
- Khí huyết vượng: Mạnh
3/ Nguyên tắc về Âm Dương
- Âm Dương quân bình : Không đau, bệnh
- Âm Dương mất quân bình: Bệnh
4/ Nguyên tắc về chữa trị:
- Lập lại quân bình Âm Dương
- Làm khí huyết thông suốt và hưng vượng
5/ Nguyên tắc phân loại bệnh:
- Âm thắng Dương: Âm bệnh , Dương thắng Âm: Dương bệnh
- Âm Dương đều suy kém : Bệnh Suy.
6/ Nguyên tắc Hô hấp:
- Thở trên mạch Nhâm : Tạo khí Dương
- Thở trên mạch Đốc: Tạo khí Âm
Như thế : Bệnh có hai dạng : Âm – Dương , thở có hai đường: Dương – Âm
Vận dụng biện chứng : Âm khắc Dươ vềng / Dương khắc Âm ( Âm Dương khắc chế và điều hoà lẫn nhau )
-Gặp bệnh Âm ta thở đường Dương : Đường khí chạy trên mạch Nhâm
- Gặp bệnh Dương ta thở đường Âm: Đường khí chạy trên mạch Đốc.
- Gặp bệnh không nghiêng hẳn về Dương hay Âm thì ta thở quân bình cả hai đường Âm và Dương.
TRÌNH BÀY PHƯƠNG PHÁP :
1/.CÁCH TẬP LUYỆN :
Mỗi ngày tập 2 lần, sáng sớm ngay sau khi vừa thức dậy, và tối trước khi đi ngủ. Nếu bận việc có thể tập mỗi ngày 1 lần cũng có kết quả.
Chỗ ngồi: Nếu có được nơi cao ráo, sạch sẽ, yên tịnh, thoáng khí thì tốt nhất. Bằng không thì cũng phải lựa chỗ tương đối yên tịnh, sạch sẽ mà tập.
Cách ngồi : Ngồi xếp bằng, hai bàn tay để ngửa xếp chồng lên nhau, hai ngón cái giao nhau. Lưng thẳng, đầu cổ thẳng, mắt mở tự nhiên ( Không nên nhắm mắt ) nhìn ra phía trước nhưng trong óc dừng nghĩ vẩn vơ, lung tung (tức đừng có tạp niệm ) mà chỉ tập trung về làn hơi tưởng tượng chạy trên Mạch Nhâm hoặc Mạch Đốc. Tư thế thật vững vàng, thoải mái, tự nhiên. Tránh ưỡn ngực hay gồng cứng ngắc thân mình, vì như thế sẽ khiến Khí khó lưu thông trong các Mạch, và cũng phải để lỏng thắt lưng ( Khí Huyết mới dễ lưu thông ).
2/. SỐ LƯỢT THỞ - TỶ LỆ VÀNG :
Số lượt thở không nhất định mà tùy thuộc vào các yếu tố sau :
Ý muốn của người tập: Muốn tập nhiều hay ít, muốn thở nhiều đường Dương hay nhiều đường Âm, muốn thức khuya hay muốn ngủ....
Tình trạng lao động: Lao động chân tay hay trí óc, nặng hay nhẹ..
Tình trạng cơ thể : Mạnh hay yếu , có bệnh hay không có bệnh.
Tuổi tác -Nam nữ : Già - trẻ - Nam - nữ thở khác nhau..
Tạng người : Âm, Dương, Bình tạng đều thở khác nhau.
Thời tiết: Trời nóng hay khô lạnh, ráo hay ẩm ướt đều thở khác nhau.
Thực phẩm dùng hàng ngày: Ăn đồ cay, nóng phải thở nhiều đường Âm; ăn đồ mát lạnh phải thở nhiều đường Dương....
Bệnh hoạn: Bệnh nặng thở nhiều, nhẹ thở ít. Ngoài ra còn tùy loại bệnh mà ấn định số lượt thở nhiều hay ít đường Âm -Dương cho phù hợp.
Thời gian tập: Mới tập hay đã tập lâu, lúc đầu chưa quen tập nhiều , về sau tập ít hơn.
Không gian : Ở Đà Lạt thở khác ở Sài Gòn, ở Sài Gòn thở khác ở Vĩnh Long, nói chung là do khí hậu mỗi nơi mỗi khác.
Do tùy thuộc nhiều yếu tố, nên số lượt thở cho mỗi cá nhân không nhất định mà thật sự rất linh động. Có thể coi nó như 1 hàm số với nhiều biến số vậy.
Nói thế tuy đầy đủ nhưng chưa được cụ thể, và chắc chắn điều mình muốn biết là phải thở bao nhiêu đường Âm, bao nhiêu đường Dương cho mỗi lần tập. Vậy để cho dễ hiểu, dễ tập, thoạt tiên chúng ta hãy làm như sau :
Thở 2 đường bằng nhau: Ví dụ 5A/5D hoặc 10A/10D
Qua hôm sau, nếu thấy mình nóng mắt, khó ngủ (có khi mất ngủ ), siêng năng, hăng hái làm việc hơn mọi ngày...(có khi lại váng đầu, nổi nhọt, nổi hạch) thì điều đó có nghĩa là Khí Dương trong cơ thể chúng ta đang giữ ưu thế so với Khí Âm (hoặc có thể do chúng ta là người có Tạng Dương, nên Khí Dương trong ta đã nhiều sẵn).
Và như thế là chúng ta phải thở theo 1 tỷ lệ khác: Bớt 1 số lượt thở đường Dương xuống, trong khi vẫn giữ nguyên số lượt thở đường Âm ; hoặc giữ nguyên số lượt thở đường Dương, nhưng tăng số lượt thở đường Âm lên cũng được.
Hãy tăng ( hay giảm ) số lượt thở từ từ, cho đến khi không còn cảm thấy nóng mắt, khó ngủ ,...mà trái lại thấy thư thái nhẹ nhàng, dễ chịu, siêng năng...là đúng tỷ lệ rồi vậy.
Làm tương tự nếu thấy tình trạng Khí Âm trong cơ thể đã giữ ưu thế. Cứ như thế, qua thời gian ta sẽ tìm được Tỷ Lệ thở chính xác, phù hợp với mình. Đó là Tỷ Lệ Vàng, con số của sức khoẻ và an vui. Thật vậy, qua tỷ lệ thở này ta sẽ tìm thấy những biểu hiện của sức khoẻ và hạnh phúc trong thể xác lẫn tâm hồn ta như sự siêng năng, hăng hái làm việc, dai sức và mau hồi sức, ít khi đau ốm, thường tươi vui, thoải mái, tự tin, bình tĩnh. (có thể chúng tôi chủ quan và nói quá, nhưng trên thực tế, thì một sự khoẻ mạnh do khí lực sung túc, và quân bình về Âm Dương đưa tới 1 sự ổn định, thoải mái về mặt tinh thần không phải là điều vô lý và khó hiểu ).
LƯU Ý : Tỷ lệ này không cố định mà thỉnh thoảng lại thay đổi, do sự biến đổi của một vài yếu tố mà nó phụ thuộc như ở trên đã nói. Ví dụ sau khi tìm ra tỷ lệ thở hàng ngày phù hợp với Tạng người & Điều kiện làm việc của mình, bỗng đến mùa nắng trời nóng quá , ta phải điều chỉnh lại sao cho đường Âm nhiều hơn tỷ lệ cũ mới được , mới khiến ta không cảm thấy bức rức, quạu quọ, hay bị các chứng do cơ thể quá nóng gây ra.
Tương tự vậy với các trường hợp khác, như trời lạnh thì thở đường Dương tăng lên, lao động chân tay thì tăng cả 2 đường lên, bệnh hoạn thì tùy theo bệnh Âm hay Dương mà tăng giảm số lượt Âm - Dương cho phù hợp, cần thức khuya thì tăng đường Dương , muốn ngủ thì giảm đường Dương.....
TÓM LẠI:
Về số lượt thở cho mỗi đường Âm-Dương, mỗi người phải tự theo dõi sâu sát tình trạng cơ thể mình (cả phần thể xác lẫn tâm hồn) để xác định đúng và điều chỉnh kịp thời số lượt thở của mình, sao cho thường xuyên đạt tới tình trạng : khoẻ mạnh , siêng năng, thư thái, an vui, ít bệnh hoạn, và càng lúc càng đạt đến những tiêu chuẩn sức khoẻ như phần sau đây qui định.
3/. BẢNG TIÊU CHUẨN CỦA SỨC KHOẺ
TINH THẦN
Thư thái, thoải mái, yên vui. Sáng suốt, vô tư. Thông minh, mẫn tiệp, nhiều sáng kiến.
Sâu sắc , dung dị , khiêm tốn. Can đảm, tự tin, giàu nghị lực, tự chủ.
Bình thản, trầm tĩnh. Bớt ham muốn về vật chất ( ăn uống-tình dục-xa hoa )
Siêng năng hăng hái ham làm việc ( trí óc hay chân tay ) Nhạy bén , tinh tế.
Đầu óc luôn tỉnh táo, dẻo dai ,(dù có tập trung tư tưởng làm việc 1 thời gian dài ).
Độ chú ý gia tăng. Giác quan thứ 6 phát triển (linh tính )
Vị tha , độ lượng , hy sinh , nhân hậu. Giàu ý chí , nghị lực.
Giỏi tự chủ , chủ động , tích cực. Vui với lý tưởng.
Luôn hướng đến Chân -Thiện - Mỹ. An nhiên , tự tại.
THỂ CHẤT
Mắt sáng có thần. Tai thính. Mũi tinh. Miệng lưỡi tinh tế.
Ăn uống ngon miệng , mau tiêu hóa. Hết táo bón.
Ngủ ngon , thức dậy tỉnh táo.
Dai sức ( làm việc nhiều , ít mệt ) , mau hồi sức.
Thức khuya không biết mệt , sáng dậy vẫn tỉnh táo như thường.
Chịu đựng được đói khát lâu dài. Luôn luôn khoẻ khoắn , ít khi mệt.
Hết đau ( hoặc bớt ) các bệnh trong người.
Thường ít khi có bệnh (nếu có cũng chữa được dễ dàng ).
Vẻ mặt luôn tươi trẻ. Phản ứng lanh lẹ , chính xác , đi đứng gọn gàng , nhanh nhẹn.
Da thịt mịn màng , hồng hào , ấm áp.
Năng lượng sinh học gia tăng.
LƯU Ý: Người già yếu, người đau ốm và người làm việc nặng (như các bác công nhân, các vận dộng viên) thở nhiều hơn những người trẻ và không đau ốm, không làm việc nặng. Theo kinh nghiệm, những người trẻ khoẻ chỉ cần thở 5 lượt cho cả 2 đường Âm Dương là đủ . Còn người lớn tuổi, người già yếu phải thở gấp 5 lần mới đủ. Những người mắc bệnh tim, huyết áp cao cần phải thận trọng khi tập. Tập thật ít lúc đầu, sau thấy bớt bệnh hãy tăng lên dần dần. Khi thở dùng ý thay vì dùng sức thì tránh được sự mệt mà các người yếu tim hay bị . Cũng nên nhớ rằng đường Dương tim đập nhanh, đường Âm làm tim đập chậm. Nếu đã dùng đúng mà vẫn thấy phản ứng bất lợi thì đừng tập nữa
Đôi điều với những người đã từng tập các môn khí công -nội công-yoga từ trước: Quý vị nào đã từng tập qua các môn Khí công, Nội công như Misogi của Hiệp Khí Đạo, Tĩnh Tọa của Cương Điền, Nội công của Thiếu Lâm tự, Kim Cang Nội công hay Yoga...sẽ thấy mình không thể vận khí qua 2 Mạch Nhâm và Đốc, nhất là qua Mạch Đốc, và sẽ có cảm giác như bị nghẹt, tức dội và sau đó sẽ bị nhức từng chỗ như Ấn Đường (giửa 2 chân mày),Cự Khuyết (giữa thóp ngực), hay nơi bụng dưới...có khi hơi lại xông ngược lên mặt và làm nóng bừng khó chịu.
Những sự kiện lạ trên sẽ khiến quý vị sợ hãi và dễ dàng bỏ cuộc, đồng thời cho rằng phương pháp này chỉ đưa đến những hậu quả tai hại. Và biết đâu lại chẳng đưa ta đến cảnh tẩu hỏa nhập ma ?
Sự thật không có gì đáng cho quý vị lo sợ và khó hiểu cả. Việc đó chẳng qua là vì 2 Mạch Nhâm và Đốc chưa được đả thông mà thôi. Mặt khác , vì chiều vận khí của các phương pháp có khác nhau , cho nên có sự chỏi nhau và đưa đến các hậu quả như trên.
Như thế trong trường hợp này ta phải tập lại như sau :
Thở bình thường, từ từ, nhẹ nhàng (không cố gắng lắm) dùng Ý dẫn Khí qua chỗ nghẹt (tránh dùng lực , tức cố ý dùng sức cho qua )
Nếu qua không được thì đừng cố ráng sức làm mà hãy dừng lại , đợi qua ngày hôm sau sẽ làm tiếp.
Cứ thế khoảng 1 tuần hay hơn, chỗ bế tắc sẽ thông và khi đó ta có thể tập như mọi người khác.
Và 1 điều nên nhớ rằng: Không nên tham lam tập nhiều phương pháp cùng 1 lúc (hoặc trong ngày ). Vì có nhiều phương pháp không hợp với nhau và như thế sẽ đưa đến hậu quả xấu cho người tập.
VẤN ĐỀ CHỈ CÓ THẾ , MONG QUÝ VỊ CHỚ QUÁ LO SỢ MÀ BỎ CUỘC.
( còn tiếp )