1/ Tôi không quên “Uống nước nhớ nguồn” là điều trong Ngũ Thường dạy ta làm người thì phải biết Nhân – Nghĩa – Lễ - Trí – Tín. Diện chẩn – Điều khiển liệu pháp được xây dựng trên 3 nền y học, văn hóa lớn, trong đó có văn hóa dân gian VN ( là của rất nhiều người VN) mà thầy Bùi Quốc Châu đã có công gạn lọc ra phần tinh túy, cốt lõi nhất để chúng ta dễ học, dễ làm và phát triển nhanh.
2/ Tôi không quên thầy Bùi Quốc Châu là người đầu tiên đã cho tôi chìa khóa để giúp tôi tự tin, mạnh dạn bước vào vườn y học. Dù những việc tôi làm được hôm nay về Diện Chẩn là sự nỗ lực trau dồi của bản thân tôi nhưng không có nghĩa là tôi phủ nhận có sự khai mở của Thầy.
Tôi liệt kê sau đây những việc tôi làm được đến hôm nay, trong thời gian quá ít với lượng công việc đã hoàn tất rất nhiều, với tốc độ không ngờ, sức khỏe không hao mòn, trái lại còn rất khỏe:
- Các lý thuyết, đồ hình, nguyên lý đồng hình…trong DC-ĐKLP đã giúp tôi có kiến thức về DC, biết vận dụng linh hoạt trong việc chữa bệnh và trong cuộc sống.
- Tôi triển khai thuyết “Nước chảy về chỗ trủng” với cây dò, day để tìm gốc bệnh (bài tôi viết ở tập Kỷ yếu kỷ niệm 20 năm thành lập Diện Chẩn).
- Gần đây, Âm dương khí công – Thập nhị huyền công của DC đã giúp tôi thực hiện Ảnh công, Ý công, Niệm công, Nói lời yêu thương 26 - 60, Nói chuyện với não…
- Tôi vận dụng thuyết nhất nguyên luận “Một trong tất cả, tất cả là một” trong DC và thuyết phản chiếu – đồng hình, tôi triển khai thêm 42 đồ hình mới về đầu và nội tạng phản chiếu lên lên cơ thể (như các tư thế hình người thẳng, cái đầu xoay trái/phải, ngửa lên /úp xuống...).
- Tìm hiểu, học về đông y, kinh Dịch.
- Viết bài “Điều tôi tâm đắc về DC” lên trang web tuchuabenh.com của Trung tâm Việt Y Đạo và bài “30 năm trưởng thành và thăng hoa của phương pháp Diện chẩn – Điều khiển liệu pháp” cho tập Kỷ yếu kỷ niệm 30 năm thành lập Diện Chẩn.
- Xây dựng mô hình: Xây dựng Con Người.
- Xây dựng mô hình: dự án Từ Thiện – Nhân Bản.
- Chữa bệnh, giải đáp thắc mắc từ xa gởi đến.
- Truyển đạt kinh nghiệm huấn luyện cho những ai có tâm nguyện và quyết tâm như tôi.
- Trong vòng 8 tháng gần đây, tôi đã đọc, ghi chép, tóm lược học theo tài liệu của đại học Y (hệ dài hạn) về giải phẫu học của cố GS BS Nguyễn Quang Quyền và sách “ATLAS” về giải phẫu người của Frank H. Netter, MD. Tôi sắp xếp được 10 hệ và những bệnh liên quan cho dễ nhớ, dễ học (tài liệu viết tay đã trên 500 trang A4).
- Đồng thời tôi vẫn làm việc của một người nội trợ chân chính, là ngoài việc chăm sóc chồng con, ngày ngày tôi đi chợ, nấu ăn, dọn vệ sinh nhà cửa, giặt giũ, ủi quần áo, chăm sóc hoa, cây trong vườn.v.v…
- Ngoài ra, hằng ngày tôi còn làm công việc của một chuyên viên tư vấn tài chính cho một công ty lớn.
- Và dành thời gian thư giản, nghỉ ngơi, giao lưu với bè bạn…
Một khối lượng công việc không nhỏ và không ít tí nào!
3/ Tôi không quên mục đích của Diện Chẩn là biến bệnh nhân thành thầy thuốc. Thầy Bùi Quốc Châu đã phổ biến rộng rãi phương pháp của Thầy, Diện Chẩn đã là của mọi người, của chung chúng ta. Ta có thể mường tượng là sẽ có rất, rất nhiều thầy thuốc Diện Chẩn dưới bầu trời này. Dĩ nhiên sẽ có người giỏi và người không giỏi, do sự tiếp thu và tự mài giũa của bản thân họ, để họ có thể trở thành viên kim cương đắt giá có hình dáng đặc thù, chuyên nghiệp.
Diện Chẩn đang phát triển sang nhiều nước trên thế giới, mang tên Việt Nam – của người VN. Đó là niềm tự hào của chúng ta. Thật xúc động khi thấy người dân của nhiều nước đều đón nhận và đềulàm Diện Chẩn! Vì thế, là một người của Diện Chẩn, tôi cần phải chỉnh chu hoàn thiện phong cách và y đạo, y đức, y thuật Việt Nam.
4/ Tôi không quên Diện chẩn - Điều khiển liệu pháp = Việt Y Đạo do Diện Chẩn không hề dừng lại ở phương pháp mà vượt lên trên phương pháp, là Y đức Việt Nam, là con đường Y học Việt Nam, là đạo làm người, là cách sống chứ không phải là tôn giáo. Và tôi nhận thấy hầu như những ai tâm đắc, gắn bó với Diện Chẩn – không phân biệt giai cấp, trình độ, tuổi tác, màu da… - đều có một điểm rất chung:Triết.
5/ Tôi không quên: Diện Chẩn cần phải đoàn kết. Diện Chẩn là ngôi nhà y học của chúng ta mà thầy Bùi Quốc Châu là rường cột. Thầy đã vất vả ngược xuôi để bảo toàn, phổ biến và phát triển không ngừng trong suốt 30 năm qua. Đến bây giờ thầy tuổi đã 70 mà vẫn còn bôn ba hải ngoại để phát triển Diện Chẩn. Mỗi chúng ta làm được điều gì tốt đẹp là mỗi bàn tay gìn giữ ngôi nhà DC cho vững vàng. Bạn ơi, nếu cột gảy thì nhà cũng sập, cũng là trách nhiệm của chúng ta.
6/ Tôi không quên có đôi lần các bạn và tôi thầm thắc mắc Thầy tại sao trăng lại bị khuyết một tí, đến bao giờ mới tròn? Tôi quên rằng Thầy cũng là người như chúng ta mà Thầy đã làm quá nhiều việc lớn, đôi khi sót vài việc đời thường (nhà khoa học là vậy!), và ta lại buồn, trách, khi không vừa ý.
Tôi lại ngẫm tôi, sao quá nhiều cái phải và phải… với Thầy mà chính tôi thì không làm được cái việc to lớn như Thầy, đi không xa bằngThầy! Đó là điều ta phải suy tư.
7/ Tôi không quên cái vòng lẩn quẩn (vòng đời) lên xuống, ngược xuôi , ra vào…Tôi dạy mọi người. Mọi người dạy lại tôi. Tôi cần mọi người. Mọi người cần tôi.
Thật vậy, tôi mua thịt, cá thì tôi học được ở người bán thịt, cá cách làm cá, làm thịt chuyên nghiệp.
Tôi chở đồ nặng thì tôi học được ở anh khuân vác cách cột, chở sao cho an toàn. Thầy Châu thường nói “Người dở đỡ người hay”.
Tôi trồng cây, bón phân thì tôi học được ở người trồng trọt, bán phân bón cách bón phân, chăm cây.
Tôi dạy học, tôi lại học ở học sinh những thăc mắc.
Tôi trau dồi về y học và Diện Chẩn thì tôi sẽ hướng dẫn người khác khi họ cần. Mỗi người là một tiểu vũ trụ, họ vẫn có trau dồi, tích lũy một cái đặc thù, rất riêng.
Do đó, có một câu châm ngôn nói rằng: “Không nên đánh giá một người dựa vào những cái anh ta không biết mà hãy dựa vào những cái anh ta hiểu biết”.
8/ Tôi không quên tôi cần phải biết Lắng nghe, Quan sát, Gạn lọc, Gìn giữ, Phát triển, tiến, thoái, ngừng, nghĩ, dưỡng, đúng, đủ, đẹp, hợp, kỵ, linh động, vị tha.
9/ Tôi không quên cái Thiện cái Ác chỉ cách nhau đường tơ kẽ tóc. Tôi cần phải thận trọng trong phong cách, trong thái độ, trong suy diễn, trong sinh hoạt. Trong mọi hoàn cảnh, tình huống, tôi cần phải tĩnh lặng, điềm tĩnh để sáng suốt tìm một hướng giải quyết an toàn, “gạn đục, khơi trong”.
10/ Tôi không quên cám ơn Trời – cám ơn Đời – cám ơn Thầy – cám ơn Gia đình và cám ơn Tôi.
NGUYỄN THỊ THU THỦY
Khóa DC 23 (1993)