Dưới đây là nguyên văn bài tường thuật của nhà báo Hoài Sơn, tựa là “Mắc bệnh lạ khiến thân thể bất động, nhân viên trạm xăng được cứu bởi phương pháp hay” qua trao đổi với bệnh nhân Lê Anh Trúc và người chữa trị là anh Nguyễn Văn Phích.
Khi đang làm việc, anh Lê Anh Trúc bỗng thấy đôi chân mất cảm giác, tiếp đến là hai tay tê dần, môi cũng không thể cử động. Anh ngã quỵ xuống, đôi mắt mở thao láo, không kêu được tiếng nào. Người nhà cấp tốc đưa anh đi bệnh viện. Tại đây, các bác sỹ kết luận anh Trúc mắc hội chứng bệnh hiếm gặp, cả trăm ngàn người mới có một trường hợp mắc bệnh này, khoa học chưa tìm ra cách chữa trị. Bác sỹ khuyên gia đình đưa anh Trúc về, vì điều trị tại bệnh viện cũng không có tác dụng.
Trở thành bại liệt trong một ngày
Anh Lê Anh Trúc (SN 1978, trú tại Quyết Thắng, Biên Hòa, Đồng Nai) là nhân viên bán lẻ xăng dầu tại cây xăng Tân Mai. Anh đã làm việc tại đó hơn 10 năm, cuộc sống bình ổn với một người vợ và hai con. Đồng lương công nhân của hai vợ chồng chỉ đủ trang trải cho đời sống tằn tiện, không dư dả nhưng chẳng thiếu đói. Thú thật với chúng tôi, anh Trúc bảo không đam mê làm giàu, không tham vọng này kia. Anh chỉ muốn yên ổn với mái ấm của mình.
Tuy nhiên, cuộc sống bình lặng của người nhân viên trạm xăng đã bị đảo lộn một cách dữ dội hồi giữa tháng 7 vừa qua. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, anh Trúc bỗng rơi vào cảnh bất động tứ chi, đôi mắt gần như bị mù. Đó là kỷ niệm kinh hãi, đáng sợ nhất trong cuộc đời anh Trúc.
Nhấm nháp ly cà phê sữa đá, anh Trúc hồi tưởng: “Tôi trước giờ mạnh lắm, không biết viên thuốc, mũi tiêm là gì. Công việc ở trạm xăng cũng đặc thù, phải trải mưa trải gió nhiều, nhưng tôi hầu như không đau ốm gì đâu. Cái đó cũng là may mắn, vì nếu tôi đau ốm, ai sẽ nuôi cả nhà đây? Thế mà, vừa rồi, tôi suýt trở thành tàn phế đấy. Nói chung, đến giờ này, tôi vẫn không biết mình bị bệnh gì. Chỉ nghe bác sỹ bảo bệnh hiếm gặp, trăm ngàn người mới có một người bị. Bệnh hiếm vô cùng như vậy, mà đến rất bất ngờ, trước đó chẳng có triệu chứng gì cả”.
Vẫn lời anh Trúc: “Khoảng một tháng mấy hoặc hai tháng trở về trước, buổi sáng, tôi đi làm bình thường. Tôi đang bơm xăng, mới được vài ba người, thì thấy chân bị tê. Cảm giác tê lan ra rất nhanh, mỗi lúc một trầm trọng, làm chân của tôi không cử động được. Không còn cảm thấy cái chân của mình luôn, như là chân giả. Tôi cố lết lết để tiếp tục công việc, vì lúc ấy người dân đến đổ xăng đông lắm, nếu ngừng lại thì chủ mắng. Nhưng mà, càng lúc tôi càng không thể cố gắng được nữa. Chân tê, tay tê, lưỡi tê, môi cũng tê. Bụng dưới rất đau và khó thở. Cơ thể tôi lúc bấy giờ mềm nhũn như cọng bún, ngã vật ra nền của trạm xăng. Lưỡi và môi tôi đều không hoạt động được, nên tôi không phát ra được một tiếng ú ớ nào hết. Tôi xụi luôn. Mọi người không hiểu chuyện gì, chạy dạt ra hết. Chỉ có ông bán vé số đỡ tôi dậy, lần tìm điện thoại và gọi cho gia đình tôi đến. Ông bà già mới đưa tôi vào bệnh viện tỉnh. Họ cho nằm chờ, rồi cho vô hai chai nước biển, uống mấy viên thuốc”.
Từ khi nhập viện đến khoảng 21h ngày hôm đó (ngày 6/7/2014), anh Trúc không thể cử động, tứ chi vô lực, không thể ăn uống được. Đến tối, bệnh tình của anh càng thêm nặng. Anh Trúc nói tiếp: “Ông bà già khóc quá trời, bà xã tôi với mấy đứa nhỏ cũng khóc. Tôi muốn an ủi, nhưng miệng không mở ra được. Bác sỹ thì chưa nói tôi bệnh gì, chỉ bảo là cứ cho vô nước biển. Đến khoảng 9h tối, có người gọi điện đến cho tôi, má mới đưa điện thoại để tôi xem là ai, thì tôi chẳng còn nhìn rõ nữa. Tôi mới nói: Chết rồi má ơi, giờ con không thấy đường nữa. Má tôi thấy không ổn, quyết định đưa tôi lên bệnh viện lớn nhất ở TP. HCM để điều trị”.
Nỗi quẫn bách của người mắc bệnh hiếm
Chuyến xe cấp cứu đưa anh Trúc từ Biên Hòa lên TP. HCM ngày hôm ấy là kỷ niệm không thể quên với người đàn ông 35 tuổi này. Giọng nói run run vì xúc động, anh tâm sự: “Lúc bấy giờ, chân tay, miệng và mắt đều vô dụng rồi. Nhưng não của tôi còn hoạt động. Tôi suy nghĩ mãi, không biết tại sao mình lại bị như vầy. Thêm nữa, không biết mình có khỏi được không, hay là sẽ bại liệt cả đời. Trời đất ơi, khi mà anh đang đi lại được, cầm nắm được, nhìn thấy được, mà trở nên què, mù, làm sao chịu nổi? Với lại, nếu không thể đi làm, ai sẽ nuôi vợ con tôi? Thật sự, tôi đau khổ quá, chỉ muốn khóc”.
Anh Trúc được nhập viện ngay trong đêm, vào khoa Nội thần kinh. Tại đây, các bác sỹ tiến hành các xét nghiệm để xác định bệnh của anh. Trong thời gian chờ kết quả, anh vẫn được truyền nước và cho uống thuốc như người ta đã làm bệnh viện tỉnh Đồng Nai. Hai ngày chờ đợi đối với gia đình anh Trúc giống như là cực hình. Các bác sỹ nhiều lần ra vào phòng bệnh, song, khi được hỏi về tình trạng của anh Trúc, họ đều im lặng.
Anh Trúc kể: “Tôi nằm ở đấy được 4 ngày 4 đêm, khổ cực vô cùng. Bà xã và má thay nhau bón cháo cho tôi. Còn lại, tôi không làm được việc gì khác. Nói anh bỏ lỗi, cả đi đại tiện má tôi cũng phải làm vệ sinh cho tôi, chứ tôi vô năng hoàn toàn. Tình cảnh khốn khổ lắm, tôi như đứa trẻ lên ba vậy thôi. Vừa buồn vừa nóng lòng, vì không thấy bác sỹ thông báo là tôi bệnh gì. Qua ngày thứ tư, bác sỹ mới gọi má tôi ra, bảo là tôi bị hội chứng bệnh hiếm gặp, là hội chứng Guillian Barre, ảnh hưởng tới hệ thần kinh. Theo giải thích của bác sỹ, hội chứng này là một chứng rối loạn do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần hệ thần kinh ngoại biên. Khoảng 100.000 người mới có một người bị hội chứng Guillain Barre. Y học hiện đại không lý giải được nguyên nhân của hội chứng Guillain Barre, và cũng không có phương thức chữa trị. Vì thế, các bác sỹ bảo gia đình nên cho tôi xuất viện, điều trị tại nhà”.
Nghe mẹ nói lại lời của bác sỹ, anh Trúc la hoảng: “Trời đất ơi, bệnh của tôi còn chưa hết, tôi chưa biết sống chết thế nào mà bác sỹ đã bảo cho tôi về. Tôi kiên quyết không về, phải ở lại để chữa khỏi bệnh đã. Thấy ý tôi như thế, bác sỹ lại giải thích rằng, tôi ở lại cũng không tác dụng gì, vì bệnh viện không có thuốc chữa. Ở lại chỉ tốn tiền vô ích mà thôi. Tốt nhất là trở về nhà, tập vật lý trị liệu, biết đâu bệnh sẽ khỏi. Bác sỹ đã nói như vậy, tôi còn cự cãi làm sao được. Thôi thì đành về nhà, phó mặc cho số phận”.
Qua tìm hiểu trên mạng internet và sách báo, gia đình anh Trúc càng lo lắng bội phần về diễn biến bệnh tật của anh. Hội chứng Guillain Barre không chỉ gây ra tình trạng mất cảm giác ở tứ chi hay khó thở, nó còn có khả năng mang đến những tàn tật nặng, vĩnh viễn, thậm chí là tử vong (do các biến chứng như suy hô hấp hay đau tim. Những thông tin ấy khiến gia đình anh Trúc vô cùng lo lắng, song, họ cũng lực bất tòng tâm.
Nhớ lại thời điểm đó, anh nhân viên bán xăng 35 tuổi cười buồn: “Mạng tôi đúng là khổ. Bị cái bệnh trên đời hiếm gặp, không có thuốc chữa. Từ bệnh viện về đến nhà, tôi vẫn nghe tiếng bà xã và vợ nỉ non, ai oán. Nếu cứ tiếp tục như vậy, tức là bệnh không khỏi được, cả đời không đi lại được, thì tôi sống không bằng chết”.
“Tìm lại tứ chi” nhờ Diện Chẩn
Bệnh viện trả về, không còn phương cách điều trị, biểu hiện của bệnh ngày càng nặng hơn, anh Trúc rơi vào ngõ cụt, không tìm được phương hướng. Gia đình anh, vốn là những người nông dân chất phác, cũng không có đối sách nào khả dĩ. Không khí nặng nề, nhuốm mùi tử vong, đè nặng lên tổ ấm nhỏ bé từng rất yên bình của anh Trúc.
Vừa hay, ở trong xóm, có người mách gia đình anh Trúc phương pháp trị bệnh rất hay, gọi là “Diện Chẩn – điều khiển liệu pháp”. Rất có thể, phương pháp này sẽ cứu được anh Trúc một mạng. Về phương pháp “Diện Chẩn”, anh Trúc được chia sẻ: “Đây là cách chữa bệnh do một người Việt Nam phát minh. Người phát minh là thầy Bùi Quốc Châu. Diện Chẩn là phương pháp trị bệnh dùng nguyên tắc phản xạ thần kinh lên gương mặt. Cách thức chữa trị rất mới mẻ và đơn giản bằng cách day ấn lên những vùng nhất định trên mặt gọi là sinh huyệt. Sinh huyệt là những vùng phản chiếu tương ứng với những cơ quan nội tạng hay ngoại vi cơ thể, chỉ hiện lên trên mặt để báo bệnh một khi những cơ quan này bị bệnh hay có vần đề. Khi day ấn hay hơ nóng sinh huyệt báo bệnh, người bệnh có cảm giác đau ở vùng phản chiếu đó. Cách thức day ấn và hơ nóng sinh huyệt giúp hệ thần kinh được quân bình trở lại, giúp não bộ cùng tủy sống tạo ra thuốc giảm đau tự nhiên trong máu, tăng cường sức đề kháng của hệ miễn nhiễm chống vi trùng gây bệnh”.
Sau khi nghe về “Diện Chẩn”, anh Trúc rơi vào trạng thái hồ nghi: “Bệnh viện còn chữa không được, chỉ day ấn với hơ nóng ở trên mặt và ngoài da thì làm sao khỏi được?”. Tuy nhiên, đã rơi vào bước đường cùng, anh Trúc đành thử áp dụng phương pháp mới lạ này.
Gần nhà anh Trúc có người sử dụng phương pháp “Diện Chẩn” để chữa bệnh, thường được gọi là “thầy Hai” (tên thật là Nguyễn Văn Lợi). Hàng ngày, có rất nhiều người bệnh tìm đến “thầy Hai” để được chữa trị, hầu hết là miễn phí. Anh Trúc cũng được người nhà đưa đến nhà “thầy Hai”.
Anh kể: “Tôi có ngồi xe honda được đâu, phải có má tôi với bà dì phụ mới đưa tôi đến nhà thầy Hai được. Đặt tôi cái ịch xuống ghế, tay chân tôi xuội lơ, không có cử động được gì hết. Thầy Hai không bắt mạch hay bốc thuốc chi cả, chỉ đặt hai bàn tay của tôi cạnh nhau, bàn tay mở hờ, hướng lên trên, rồi thầy dùng cái cào để cào mạnh hai lòng bàn tay. Xong, thầy lại cào ở phần cẳng tay thêm mấy lần. Tôi cảm thấy rất rát và nóng. Chưa hết, thầy dùng máy sấy, hơ nóng bàn tay tôi. Tôi không hiểu thầy đang làm gì, lại cho rằng thầy đang diễn trò này kia để lòe bịp. Nhưng, không thể ngờ rằng, kết thúc buổi chữa trị đó, tôi thấy người rất thư thái, như là sinh lực đang trở về. Thầy Hai động viên tôi bám vào cạnh bàn để đứng dậy, tôi làm theo. Quả thật, tôi có thể đứng được một chút, dù chân vẫn còn run và tay còn yếu”.
Tiếp tục về sau, trong vòng 1 tháng, anh Trúc đến nhà “thầy Hai” để được chữa trị. Cách thức chữa bệnh không có gì thay đổi, tuy nhiên, tình hình sức khỏe của anh tiến bộ rõ rệt. Đôi mắt dần sáng tỏ, lưỡi có cảm giác trở lại, tứ chi cũng mỗi lúc một hồi phục. Bên cạnh đó, anh Trúc không ngừng tự luyện tập để lấy lại sức khỏe. Anh bám tay vào ô cửa sổ có chấn song bằng sắt, cố gắng giữ cơ thể đứng thẳng. Dần dà, anh dùng nạng để di chuyển những đoạn ngắn. Cứ khoảng 4-5m lại phải dừng nghỉ một lần. Sau một tháng kết hợp giữa tự luyện tập và Diện Chẩn, anh Trúc đã có thể đi lại tương đối dễ dàng.
Về quá trình điều trị của mình, anh Trúc cho biết: “Đến thời điểm này, tôi đã khỏe lại khoảng 90-95% so với trước khi bị bệnh. Bây giờ, tôi đã đi làm trở lại, chân tay linh hoạt như trước, không còn dấu hiệu khó thở hay tê gì nữa. Một phần là do công sức tự luyện tập, phần lớn hơn là nhờ phương pháp chữa bệnh rất hay của thầy Hai”.
Thầy Nguyễn Văn Lợi:“Tôi chữa cho anh Lợi dựa vào các nguyên lý của phương pháp Diện Chẩn”
Tìm gặp người chữa bệnh cho anh Lê Thanh Trúc, chúng tôi được biết, anh Lợi là một trong rất nhiều trường hợp bệnh khó được thầy Lợi trị bằng phương pháp “Diện Chẩn – điều khiển liệu pháp”.
Ông cho biết tình trạng của anh Lê Thanh Trúc khi đến tìm gặp ông để xin chữa bệnh?
Sau khi mà em nó tới đây vậy, mẹ và dì của em để dặt dẹo em ở ghế đó. Tôi thấy là em không cử động được, cơ thể mềm nhũn, tứ chi vô lực. Dựa vào kinh nghiệm, tôi phán đoán là do bệnh ở não thôi. Khi xem xét các giấy tờ, bệnh án, thì đúng là như thế. Tôi áp dụng phương pháp Diện Chẩn của thầy Bùi Quốc Châu, trong đó có nguyên lý đồng hình và đồng ứng. Đồng ứng, đồng hình tức là: Những gì trên cơ thể giống nhau hay tương tự nhau thì liên hệ mật thiết với nhau, tìm về với nhau, và tác động mật thiết với nhau. Vì thế, trong trường hợp của anh Trúc, tôi dùng cách tác động vào các sinh huyệt ở mặt, dùng đồ hình phản chiếu để điều trị.
Cụ thể là thế nào, thưa ông?
Đồ hình như thế này gọi là vỏ não (đặt hai lòng bàn tay cạnh nhau, mở hờ, hướng lên trên - PV), tôi dùng cây cào để cào bàn tay. Sau đó, dùng máy sấy hơ bàn tay để kích thích kinh mạch trong cơ thể, làm ấm cái não lên. Sau đó, tiếp tục, chân anh ấy đi không có được, bắt đầu hơ ở tay, vì nguyên tắc của thầy Châu là “chân là tay, mà tay là chân”. Rồi nữa, lại dùng máy mat-xa ở phần tay để lưu thông khí huyết. Lặp lại như thế mấy lần trong một buổi.
Kết quả điều trị như thế nào, xin ông cho biết?
Như anh thấy đấy, bệnh nhân Trúc có dấu hiệu hồi phục rất nhanh. Chỉ sau 1 tháng chữa bằng Diện Chẩn đã có thể đi lại bình thường, còn chạy được xe honda. Đây là một trường hợp rất tiêu biểu, cho thấy tác dụng chữa bệnh đặc biệt của phương pháp “Diện Chẩn – điều khiển liệu pháp” của thầy Bùi Quốc Châu.
Xin cảm ơn chia sẻ của ông.
*HOÀI SƠN ghi
----
Chú thích ảnh (bổ sung sau):
1 – Anh Trúc có thể chạy xe máy, dù trước đây từng rơi vào cảnh bại liệt
2 – “Thầy Hai” Nguyễn Văn Lợi đang chữa trị cho anh Trúc
3 – Thầy Lợi khum hai bàn tay để thể hiện hình hai bán cầu não theo nguyên lý đồng ứng, đồng hình của Diện Chẩn
4 – Giấy tờ khám bệnh của anh Trúc