Mùa hè nắng nóng, ngư dân vùng biển miền Trung đi câu được nhiều chình. Đây là loại chình sống ở biển, da trơn, thân dài, đuôi dẹt; con to tới cả chục ký.
Thịt chình và lá dít chuẩn bị nấu canh - Ảnh: Mỹ Tuyết
Sau khi đánh bắt về, những ngư dân chuyên nghiệp dùng dao lạng hết phần xương giăm trên con chình, rửa sạch rồi cắt thành khoanh tròn đem nấu món ngon mà mình ưa thích.
Cũng như chình sông suối, chình biển được những người sành ăn chế biến rất nhiều món thơm ngon. Trong đó, chình nấu với lá dít là một phát hiện mới, được nhiều người tán thưởng.
Thứ nhất con chình ở biển, thuộc loại hải sản có mùi tanh, nhiều mỡ béo. Mà chình biển thì xưa giờ người dân vùng biển chỉ chế biến theo cách ở biển, tức là cũng kho - nấu - nướng với bao nhiêu gia vị vốn có hằng ngày, ăn dần rồi quen, “nghiện” và nhớ với mùi vị thân thương của nó.
Thứ hai, lá dít là một loại cây mọc sống trên vùng đất đỏ, núi cao (có nhiều ở các xã thuộc huyện Sơn Hòa, Tuy An, Phú Yên). Loại cây này thân nhỏ bằng nắm tay người lớn, thấp, mọc dại dưới bóng râm, sống lâu, cho lá tươi tốt quanh năm ngoài vườn. Lá dít có màu xanh vàng, khi vò dập lá có mùi thơm, vị chua; chọn hái lá non để nấu canh chua.
Như vậy, chình nấu lá dít được xem là một bản hợp tấu tương đồng độc đáo giữa biển và rừng; ở đó có sự hòa hợp giữa núi cao và đồng bằng, giữa dương tính với âm tính nên ngon là điều chắc chắn.
Thịt chình cắt thành từng khoanh, nếu muốn ngon béo hơn có thể chọn thịt ở phần lườn rồi thái thành từng miếng. Khi nấu phải chú ý đến tính đặc thù của mùi tanh mà có cách “trị” cho phù hợp. Tuy nhiên, thịt càng tanh thì nấu canh chua càng ngon. Chình ướp gia vị cho thấm rồi khử dầu tới, cho thịt vào đảo chín săn rồi chế nước sôi vào. Khi nồi nước sôi bùng lên, dùng thìa vớt bọt bỏ đi rồi đợi một lúc cho thịt chín mềm mới tiến hành các bước tiếp theo.
Cái khác của cách nấu lá dít so với các loại rau khác là phải nêm gia vị trước đâu vào đó hết rồi mới cho lá dít vào sau cùng. Lá dít non, càng nhiều càng ngon, lá không dùng dao cắt mà thường lấy tay vò dập rồi bỏ vào nồi khi đã nêm gia vị xong và đã tắt lửa.
Thịt chình có màu trắng, săn chắc, béo, dai hòa quyện với mùi thơm chua của lá dít cho ra nồi canh chua mùi thơm tổng hợp. Thưởng thức món này lúc nóng ta sẽ có nhiều cảm giác ngon lạ so với canh chua nấu với các loại rau khác.
Mỹ Tuyết