Nhiều người thường xuyên bỏ bữa vì những lý do khác nhau mà không hay biết hành động này sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường cho sức khỏe.
1. Hạ đường huyết
Theo Boldsky, đường là sản phẩm của quá trình phân hủy carbonhydrate trong thức ăn. Chất này cũng giống như nhiên liệu giúp các bộ phận trong cơ thể hoạt động bình thường. Nếu bỏ qua một bữa ăn, lượng đường trong máu sẽ giảm khiến bạn cảm thấy chóng mặt và mất cân bằng.
2. Tâm trạng tiêu cực
Glucose là nguồn năng lượng chính cho giúp não bộ kiểm soát tâm trạng. Khi bạn bỏ bữa, cơ thể không tổng hợp đủ glucose từ thức ăn, não bộ nhận ít năng lượng hơn. Đó là lý do lúc đói bạn cũng dễ cáu gắt, khó chịu.
3. Tăng nguy cơ tiểu đường
Nếu bạn bỏ bữa tối thường xuyên sẽ làm rối loạn hoạt động của insulin trong cơ thể, khiến quá trình hấp thụ thức ăn gặp trở ngại, tăng lượng đường trong máu. Điều đó gây tổn thương cho nhiều bộ phận như mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.
Ảnh minh họa
4. Cản trở quá trình trao đổi chất
Khi bạn bỏ bữa thường xuyên, hệ thống trao đổi chất của cơ thể cũng thay đổi. Khi ở trạng thái đói, sự trao đổi chất tổng thể sẽ giảm. Vì vậy, cơ thể có xu hướng tăng cường tích trữ năng lượng dưới dạng mô mỡ khi bạn ăn nhiều hơn. Điều này tác động tiêu cực đến quá trình giảm cân và ăn kiêng của bạn.
5. Nguyên nhân chính của chứng trào ngược dạ dày
Mỗi lần bỏ bữa, dạ dày của bạn vẫn sản xuất lượng axit nhất định mặc dù không có thức ăn để tiêu hóa. Lượng axit dư thừa này sẽ khiến niêm mạc dạ dày tổn thương, dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như viêm loét dạ dày, đau bụng, khó tiêu... Thói quen này là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng ợ chua, trào ngược dạ dày.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn không nên bỏ bất kỳ bữa ăn nào trong ngày, đặc biệt là bữa sáng. Bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và đảm bảo mỗi bữa cách nhau không quá 4h. Thói quen ăn uống điều độ sẽ giúp hệ tiêu hóa của bạn cân bằng và hỗ trợ tốt cho quá trình giảm cân.
Theo Giadinh.net