Thấm thoát, DC-ĐKLP tròn 20 năm. Hai mươi tuổi, chưa phải là già giặn gì nhưng cũng đã qua cái lứa non trẻ của một đời người. Từ thuở mới có vài huyệt, vài đồ hình phản chiếu mà nay đã có những tài liệu và kinh nghiệm trị bệnh phong phú ...
Từ thuở hầu như chỉ đạt tác dụng giảm đau tức thời. Chính xác hơn là “chỉ cắt cơn”, “chỉ chữa ngọn mà không chữa được gốc” như một số người “ngoại đao” nhận định. Chuyện này cũng đúng lắm, vì cái thời sơ khai ấy mà, cái gì cũng còn mông lung!!!. Lý thuyết thì sơ sài vài trang đánh máy, kinh nghiệm thì thưa thớt mà cũng không chắc tay, con người thì tuy có ham thích đó nhưng chưa định được hướng đi và đa số nửa đường đổi hướng vì nhiều lý do!! Diện chẩn - Diện Châm mà sau này thành Diện Chản - Điều Khiển Liệu Pháp sẽ đi về đâu? Chưa ai dám quyết đoán, có lẽ trừ thầy Châu.
Nhưng rồi Diện Chẩn -ĐKLP cũng đủ 20 tuổi, cái tuổi trưởng thành. Thời lượng càng tăng, môn Diện Chẩn -ĐKLP càng bộc lộ nhiều khả năng trong lãnh vực chẩn đoán và điều trị bệnh. Từ những trường hợp đau nhức tê mỏi trong việc vận động, những bệnh thông thường, ngày nay Diện Chẩn -ĐKLP đã có thể điều trị hoặc cải thiện tốt cho những bệnh hệ tiêu hoá, hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu, nội tiết. Dĩ nhiên chỉ là những trường hợp không bắt buộc phải giải phẩu, như mọi phương pháp điều trị nội khoa khác mà thôi.
Rồi, thế giới lại biết đến Diện Chẩn -ĐKLP như một phương pháp chẩn trị mới, biết đến Bùi Quốc Châu như một lý thuyết gia mới về y học. Rồi thầy Châu được trường đại học mở quốc tế về y học bổ sung ở Sri Lanka phong tặng “TIẾN SĨ KHOA HỌC DANH DỰ”.
Với bản thân tôi, Diện Chẩn -ĐKLP như một niềm đam mê không dứt cho dù có lúc cũng thấy nản lòng vì những khó khăn về chuyên môn hay về pháp lý. Có lúc cũng loé lên ý nghĩ “hay là bỏ quách… cho xong!” Nhưng rồi cứ như con thiêu thân bay ra xa rồi lại bay vào gần ngọn đèn DC. Vì những thành công thì khích lệ, những thất bại thì lại cứ thách thức làm tôi không bứt ra được. Cứ thế và cứ thế mà năm tháng dần trôi. Cứ thế và cứ thế mà kinh nghiệm dần nhiều. Cứ thế và cứ thế mà lý thuyết dần sâu. Cứ thế và cứ thế mà thực hành dần thuần thục.
Thời gian qua tôi nghiên cứu được nhiều vấn đề từ lý thuyết đến lâm sàng. Trong đó có di chứng liệt do tai biến mạch máo não là chuyên sâu nhất. Đây là một bệnh chứng đem lại nhiều đau khổ cho bệnh nhân và cả gia đình, lại rất thường gặp. Thời gian trước, tôi chưa tìm được giải pháp điều trị bệnh này một cách đơn giản mà chắc tay, nên luôn mắc nợ các học viên khi các anh chị em thắc mắc với tôi. Lúc đó, điều trị liệt cho bệnh nhân chủ yếu tôi chỉ dựa vào đồ hình phản chiếu các cơ phận liệt như tay chân, mặt, hầu họng, lưỡi, ngoài việc điều chỉnh tổng trạng là chính. Gần đây, tôi mới tìm được giải pháp tối ưu để giải quyết bệnh này tương đối đơn giản và rất phù hợp với cơ chế bệnh lý Tây y. Đó là: Cứu não bộ là việc đầu tiên phải làm, cứu hệ vận động là việc sau.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm, bài viết sau đây tôi xin được xem như một món quà mừng kính tặng Thầy Châu và các anh chị em trong nhóm 19B Phạm Ngọc Thạch như một món quà tạ lỗi muộn màng gởi đến anh chị em học viên đã từng thắc mắc với tôi về loại bệnh này. Mong giúp ích được cho những ai yêu thích DC-ĐKLP và họ những bệnh nhân chẳng may mắc phải loại bệnh này.